Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực dược. Căn cứ kết quả xác minh và các tài liệu có trong hồ sơ, Cục Quản lý Dược đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 doanh nghiệp này gồm: Công ty Raptakos, Brett&Co., Ltd; Công ty Aurobindo Pharma Limited và Công ty S.I.A (Tenamyd Canada) Inc (đại diện cho nhà sản xuất Công ty Medopharm của Ấn Độ) vì sản xuất thuốc không đạt chất lượng với tổng số tiền phạt là 150.000.000 đồng.
Thuốc viên nang cứng Neopeptine không đạt tiêu chuẩn chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật.
1. Công ty Raptakos, Brett&Co., Ltd có địa chỉ trụ sở chính tại 253 Dr. Annie Besant Road, Worli Colony P.O., Mumbai-400 030, do bà Đinh Thị Thanh Trâm làm nhân viên Văn phòng đại diện Công ty tại Việt Nam. Theo Cục Quản lý dược, Công ty Raptakos, Brett&Co., Ltd đã sản xuất thuốc viên nang cứng Neopeptine (SĐK VN-17152-13, số lô R17072, NSX 20/11/2017, HD 19/11/2019) không đạt tiêu chuẩn chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật. Do đó, Công ty Raptakos, Brett&Co., Ltd bị phạt 70 triệu đồng.
2. Công ty Aurobindo Pharma Limited (Plot No.2. Maithrivihar, Behind Maithri Vanam Ameerpet, Hyderabad), do ông Rajiv Sharma làm trưởng đại diện Văn phòng Công ty tại Việt Nam. Công ty Aurobindo Pharma Limited đã sản xuất viên nén KOACT 625 (số đăng ký VN-18496-14, số lô EL5017030, sản xuất ngày 18/8/2017 và hạn dùng đến ngày 17/8/2019) không đạt tiêu chuẩn chất lượng mức độ 3 theo quy định, bị xử phạt 40 triệu đồng.
3. Công ty S.I.A (Tenamyd Canada) Inc có địa chỉ tại 242, Varry Street, St Laurent, Quebec, H4N1 A3, Canada. Địa chỉ văn phòng đại diện tại Việt Nam là 23 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội do bà Nguyễn Thị Lan Anh - Nhân viên công ty S.I.A (Tenamyd Canada) Inc làm đại diện. Công ty này bị phạt 40 triệu đồng do sản xuất thuốc Peridom-M (số đăng ký VN-16046-12, số lô 7D73, sản xuất vào tháng 4/2017 và hạn dùng đến tháng 3/2020) không đạt tiêu chuẩn chất lượng mức độ 3 theo quy định.
Theo Cục An toàn thực phẩm, cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm.