Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, để lấy ý kiến đến hết ngày 25/11/2018. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, Thủ tướng ký quyết định thông qua sẽ thay thế Nghị định số 138 năm 2013.
Xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh bị phạt 20-30 triệu đồng.
Xâm phạm thân thể giáo viên, học sinh bị phạt 20-30 triệu đồng
Về Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục, Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm này.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học:Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
Ngoài ra, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên.
Tuyển sinh sai đối tượng bị phạt đến 50 triệu đồng
Dự thảo quy định xử phạt các hành vi vi phạm về tuyển sinh. Cụ thể sẽ phạt 6-10 triệu đồng với một trong các hành vi: thông báo tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin quy định, không thực hiện đúng nội dung của thông báo tuyển sinh hoặc không đủ thời gian thông báo tuyển sinh theo quy định.
Hành vi xác định chỉ tiêu tuyển sinh vượt năng lực thực tế, không công khai đề án tuyển sinh, công khai thông tin trong đề án tuyển sinh sai sự thật hoặc không đúng thông tin liên quan đến tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh bị phạt 15-20 triệu đồng.
Mức phạt 20-35 triệu đồng sẽ áp dụng cho việc thu nhận hồ sơ hoặc hỗ trợ tuyển sinh khi chưa được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Mức phạt 35-40 triệu đồng áp dụng cho hành vi tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành khi chưa được cấp phép. Việc tổ chức tuyển sinh chương trình giáo dục có yếu tố nước ngoài khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt 40-45 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung với các vi phạm trên, có thể là đình chỉ hoạt động giáo dục chưa được phép 12-24 tháng; buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được đối với trường hợp đã tuyển trái phép.
Ngoài ra, hành vi tuyển sinh sai đối tượng ở cấp THPT bị phạt 1-10 triệu đồng tùy theo số lượng người bị tuyển sai. Ở trình độ trung cấp sư phạm, mức phạt là 2-30 triệu; cao đẳng sư phạm, đại học là 10-50 triệu đồng. Ở trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, tuyển sinh sai đối tượng bị phạt 10-20 triệu (dưới 5 người học); 20-40 triệu (5-10 người) và 40-60 triệu (trên 10 người).
Thuê, viết thuê luận án bị phạt 20 triệu đồng
Mục 6 của dự thảo quy định khá chi tiết các hình thức xử phạt về sai phạm trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Theo đó, việc thông tin sai sự thật về kỳ thi sẽ bị phạt từ 3-6 triệu đồng; làm mất bài thi bị phạt từ 10-12 triệu đồng; mang vật không được phép vào chỗ thi bị phạt 1-2 triệu đồng; làm bài hộ hoặc trợ giúp thí sinh làm bài bị phạt từ 2-3 triệu đồng; thi thay hoặc thi kèm bị phạt từ 3-5 triệu đồng; viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi, sửa điểm, nhập điểm sai bị phạt từ 10-15 triệu đồng; đánh tráo bài thi bị phạt từ 15-20 triệu đồng; chấm thi sai bị phạt từ 20-25 triệu đồng; làm lộ bí mật đề thi hoặc đưa đề trong thời gian làm bài ra ngoài bị phạt từ 20-30 triệu đồng; ra đề sai quy định bị phạt từ 30-50 triệu đồng.
Dự thảo cũng đề cập tới hình phạt cho việc làm công trình tốt nghiệp thuê. Cụ thể, phạt tiền từ 8-12 triệu đồng đối với hành vi tổ chức đánh giá khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án không đúng quy định về thành phần hội đồng hoặc chuyên môn của thành viên hội đồng hoặc điều kiện để được phép bảo vệ của người học; phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi viết khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án thuê cho người khác hoặc thuê người khác viết khóa luận, luận văn, luận án cho mình.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu khóa luận, đồ án tốt nghiệp, báo cáo thực hành tốt nghiệp, luận văn, luận án; buộc hủy bỏ kết quả thi, kết quả đánh giá môn học, kết quả bảo vệ luận văn, luận án…
Dự thảo còn quy định khá chi tiết mức phạt hành chính cho các hành vi vi phạm qiy định về tư vấn du học, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; hoạt động tuyển sinh; mở ngành đào tạo; nội dung chương trình đào tạo; thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập; quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ;quy định đối với nhà giáo và người học; quy định về cơ sở vật chất, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Nhiều hình thức phạt dạy thêm
Cụ thể, về vi phạm quy định về tổ chức dạy thêm, Dự thảo Nghị định ghi rõ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi không đảm bảo cơ sở vật chất; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về công khai thông tin tổ chức dạy thêm.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng địa điểm đã được cấp phép; tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép.
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông.
Đặc biệt, phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn; Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Ngoài ra, vi phạm các điều khoản trên, buộc trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí trả lại đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép; dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn, khi chưa được cấp phép; ép buộc học sinh học thêm; Buộc giải thể cơ sở dạy thêm đối với hành vi tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép.
Đối với trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người dạy thêm không đạt trình độ chuẩn; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm cho học sinh tiểu học hoặc học sinh đã học hai buổi trên ngày.
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào nội dung dạy thêm, dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Chánh thanh tra có thể bị phạt tới 100 triệu đồng
Theo dự thảo Nghị định, thẩm quyền xử phạt của Thanh tra thì Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn...
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giáo dục cấp Sở có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra:
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành giáo dục cấp Bộ có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính thuộc phạm vi, nội dung cuộc thanh tra trong thời hạn thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra là Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 70.000.000 đồng.
Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa là 100.000.000 đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm...