Sáng nay (12/11), tại Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế (FSC), Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) phối hợp tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp thông qua hình thức hội nghị trực tuyến với chủ đề “Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ”.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến “Kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ” tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.
Hội nghị trực tuyến gồm 25 điểm cầu trong và ngoài nước với sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc các Bộ, ngành trung ương. Về phía địa phương có điểm cầu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngoài ra, còn có các điểm cầu ở các cơ quan ngoại giao, doanh nhân kiều bào ở nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ đánh giá, sự kiện không chỉ là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ (1995-2020), đây còn là một cách làm rất sáng tạo nhằm kết nối các doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, qua đó giới thiệu sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có thị trường Hoa Kỳ.
“Hiện tại vẫn còn nhiều thách thức trong việc đưa hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đó là rào cản thương mại và kỹ thuật như tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ…”, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định.
Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, các doanh nghiệp kiều bào ở Hoa Kỳ với yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mong muốn đối tác cam kết làm ăn uy tín, lâu dài, có nguồn hàng ổn định. Vì vậy, việc thực hiện hội nghị và thành lập điểm tiếp nhận thông tin và website kết nối doanh nghiệp là cần thiết, tạo đà cho việc hợp tác sâu rộng sắp tới.
Lễ ký kết hợp tác xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước và Hoa Kỳ được diễn ra trực tuyến.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, thời gian gần đây, Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực đã có định hướng chung, tìm hướng đi mới cho nông sản quê nhà.
“Không còn bó hẹp giao thương nội địa, kinh doanh sản phẩm và nguyên liệu thô. Chúng tôi hướng đến liên kết sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, phục vụ xuất khẩu vào các thị trường có uy tín, trong đó có Hoa Kỳ. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn nhập khẩu và nguồn hàng ổn định quanh năm”, ông Phạm Thiện Nghĩa nói.
Đánh giá tiềm năng của việc hợp tác trong thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ rất lớn. Tuy nhiên, ông David Dương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ cho rằng, vẫn phát triển chưa tương xứng.
Cụ thể, theo ông David Dương, cần phải có một nơi tập trung nhập hàng hóa vào để kiểm tra, kiểm định chất lượng tất cả hàng hóa.
“Chúng ta muốn hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải có thị trường bền vững. Chúng ta không muốn tiếp nhận hàng hóa lúc thì chất lượng thế này, lúc thì chất lượng thế khác sẽ gây ra những ảnh hưởng và thiệt hại. Chất lượng không kiểm soát mà đưa vào thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng hóa Việt Nam. Do đó, cần có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”, ông David Dương nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại hội nghị đã chứng kiến việc ký kết hợp tác xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước và Hoa Kỳ qua 6 hợp đồng giá trị khoảng 200 triệu USD.
Đồng thời, hội nghị cũng đã thành lập website và đi vào hoạt động tiếp nhận thông tin và kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp Hoa Kỳ.