Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) dẫn số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 11 giảm 11,9% so với tháng trước.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt gần 6,62 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được trong 11 tháng năm 2024, dự kiến cả năm kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 7,2 tỷ USD, nhờ việc đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây.
Trong 11 tháng năm 2024, ngành hàng rau quả của Việt Nam nỗ lực khai thác tốt nhiều thị trường tiềm năng như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Liên quan đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho một số sản phẩm trái cây Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết Việt Nam và Mỹ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2025.
Trước đó, hồi tháng 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh dây Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh dây sang Hoa Kỳ mỗi năm sẽ đạt từ 50 - 100 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, gồm: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa.
Trước khi đàm phán xuất khẩu chanh dây qua Mỹ, Việt Nam cũng đàm phán xuất loại quả này thành công qua thị trường Australia hồi tháng 8/2024. Khi đó, chanh dây trở thành loại trái cây thứ 5 được xuất chính ngạch sang Australia, sau xoài, nhãn, vải thiều và thanh long.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam và Úc đang đàm phán về việc xuất khẩu trái bưởi của Việt Nam sang Úc.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, thời gian tới còn nhiều tiềm năng cho rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Úc. Tuy nhiên, Úc cũng là thị trường khó tính, rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Hoa Kỳ và EU.
Vì vậy, để khai thác hiệu quả thị trường Úc, cơ quan chức năng Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến. Song song đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng xuất khẩu sang Úc.