Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, tôm hùm giảm, trong khi giá mít thái và thanh long tăng mạnh.
Giá vàng giảm mạnh
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay 27/7, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.416 USD/oz, nhích nhẹ 1 USD/oz so với chốt phiên trước.
Tính chung cả tuần giá vàng thế giới đã giảm khoảng 7 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Tuần qua giá vàng thế giới biến động không nhiều, thời điểm giao dịch cao nhất ở mức giá 1.426 - 1.427 USD/oz mức thấp nhất hiện đang giao dịch trên thị trường.
Giá vàng giảm mạnh.
Một tuần giá vàng thế giới chỉ chờ đợi các yếu tố hỗ trợ như: Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý 2/2019 của Mỹ; các ngân hàng trung ương quyết định chính sách tiền tệ; chờ cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); chời Mỹ - Trung nối lại đàm phán. Trong những yếu tố kể trên thì Ngân hàng châu Âu đã quyết định chưa hạ lãi suất ngay, nhưng vẫn phát đi tín hiệu sẽ giảm. Kinh tế Mỹ vừa công bố đêm qua (giờ Hà Nội), đã cho thấy tăng trưởng cao hơn kỳ vọng. Điều này giúp vàng đi ngang giá.
Như vậy, kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng vẫn không làm vàng giảm mạnh vào đêm qua, chủ yếu là đi ngang. ĐIều này chứng tỏ nhà đầu tư tiếp tục chờ đợi Fed họp vào 30-31/7 quyết định lãi suất. Nếu cơ quan này hạ lãi suất như dự kiến thì vàng sẽ có cơ hội tăng, ngược lại vàng cũng tiếp tục biến động trong biên đọ hẹp.
Cũng trong tuần tới Mỹ - Trung nối lại đàm phán, đây cũng là yếu tố quan trọng để vàng biến động giá. Dự báo 2 quốc gia sẽ đàm phán nhiều nội dung, trong đó 2 nội dung quan trọng về công nghệ và nông sản. Nếu như đạt được kết quả như kỳ vọng là sẽ ký kết một số nội dung đàm phán, thì giá vàng sẽ giảm thêm, có thể mất mốc 1.400 USD/oz. Ngược lại, nếu 2 bên đàm phán mà không đạt được mục tiêu nào, sẽ giúp vàng tăng giá mạnh.
Trên thị trường trong nước, tuần qua, giá vàng SJC biến động khá mạnh. Điều đặc biệt trong tuần qua là, giá vàng SJC mở cửa chỉ tăng - giảm từ 100.000 - 200.000 đồng/lượng, nhưng trong phiên giao dịch mức giá lại điều chỉnh khá mạnh. Có những phiên từ khi mở cửa đến khi đóng cửa có thể tăng - giảm đến 500.000 đồng/lượng. Tính chung tuần qua giá vàng SJC và vàng nhẫn cơ bản đi ngang so với mở cửa phiên đầu tuần.
Tôm hùm rớt giá một nửa
Theo các hộ dân nuôi tôm ở Khánh Hòa, họ đang chịu lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng vì giá tôm xuống thấp. Nhiều người nuôi chấp nhận bán tháo, một số khác vẫn tiếp tục thả nuôi để chờ giá "nhích" lên.
Tôm hùm rớt giá một nửa.
Ông Hòa nuôi tôm hùm ở Bình Ba (Khánh Hòa) buồn bã cho biết, vụ năm nay gia đình ông thua lỗ cả tỷ đồng vì giá tôm xuống thấp, thương lái giảm thu mua.
"Nếu năm ngoái giá tôm trên 1 triệu đồng một kg, năm nay giảm một nửa. Do đó, vụ mùa này gia đình lỗ nặng bởi chi phí nuôi tôm hùm khá cao. Trong khi đó, quá trình nuôi thường hao hụt một nửa", ông Hòa nói.
Xác nhận tôm hùm đang mất giá, ông Lâm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Bình (Cam Ranh) cho biết, tôm hùm xanh tại hộ nuôi có giá chỉ 400.000 - 550.000 đồng một kg; tôm hùm bông 1 - 1,1 triệu đồng một kg (loại 1) giảm 50% so với tháng trước. Với giá này, người nuôi trên địa bàn thua lỗ nặng.
Theo ông Tuấn, sở dĩ giá xuống thấp là do Trung Quốc ngừng mua đường tiểu ngạch dẫn đến nguồn cung dư thừa, trong khi thị trường trong nước sản phẩm nhập khẩu giá cạnh tranh.
Cũng chính vì giá tôm hùm tại nơi nuôi trồng đi xuống, giá bán lẻ tại các vựa hải sản TP Hồ Chí Minh cũng đã giảm mạnh 3 ngày qua từ 800.000 đồng một kg cho tôm hùm baby xuống còn 590.000 đồng. Với tôm hùm loại trên 1 kg cũng giảm 400.000 đồng xuống còn 900.000 đồng một kg. Còn tôm hùm bông, giá đang ở mức 1,5 - 1,7 triệu đồng một kg thay vì 1,9 triệu đồng như trước đó.
Thanh long bán được giá
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long chính vụ tại tỉnh năm nay được giá hơn các năm là do hai yếu tố: chỉ dẫn địa lý và chất lượng trái thanh long tăng cao.
Tại các vựa trái cây ở Bình Thuận, giá thanh long đang được rao bán cao hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, trung bình khoảng từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Đáng chú ý vào hồi đầu tháng 6, giá thanh long chính vụ mua tại vườn ở Bình Thuận đạt mức kỷ lục 30.000 đồng/kg, thậm chí có ngày tăng lên đến 32.000 đồng/kg.
Thanh long bán được giá.
Theo ông Tấn, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long. Các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hiểu rõ chỉ dẫn địa lý nhằm phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất, góp phần giữ vững uy tín sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đặc biệt, trên các thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý chính là yếu tố khẳng định vị thế của thanh long Việt Nam về chất lượng so với các nước khác trên thế giới.
Theo định hướng quy hoạch của tỉnh là sẽ đẩy mạnh sản xuất an toàn để nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%.
Dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp của tỉnh sẽ xuất khẩu chính ngạch đạt 20 - 25 triệu USD. Định hướng đến năm 2025 sẽ đạt 50 - 60 triệu USD. Đồng thời, nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35 - 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.
“Thu nhập của người nông dân 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc gia tăng tiêu thụ chính ngạch. Lợi nhuận trung bình là 200 triệu đồng/ha (với giá 15.000 đồng/kg). Đặc biệt, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc”, ông Tấn chia sẻ.
Giá mít thái tăng mạnh
Giá mít Thái tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) bất ngờ tăng mạnh trở lại so với đầu tháng trước. Cụ thể, từ mức giá 10.000 đến 15.000 đồng/kg mít loại 1 (trọng lượng trái trên 8,5kg) của những ngày đầu tháng 6 thì hiện giá mít Thái ngày 25/7 được thương lái thu mua ở mức 50.000 đến 55.000 đồng/kg đối với mít loại 1.
Mít loại 1 là trái to trên 8 kg/trái, mức giá này đã tăng hơn 7.000 đ/kg so 3 ngày trước đó và tăng gấp đôi so với 2 tuần trước (26.000 đ/kg); mít loại 2 từ 6-8 kg/trái giá 30.000 đ/kg; mít loại 3 từ 4-6 kg/trái giá 20.000 đồng/kg.
Giá mít thái tăng mạnh.
Nguyên nhân giá mít tăng cao là do đã đứt lứa. Đa phần các vườn chỉ còn lại mít loại 2, hoặc mít bi (mít chợ) có trọng lượng nhỏ. Dự kiến trong thời gian tới giá mít còn tăng mạnh do nguồn cung hạn chế.
Trước đó, giá mít Thái thậm chí có lúc chỉ là 11.000-13.000 đ/kg. Đã không ít người cho rằng mít Thái hạ nhiệt vì thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng.
Năm 2018, thống kê cho thấy diện tích trồng mít khu vực ĐBSCL khoảng hơn 10.100ha trong tổng số hơn 26.100ha trồng mít cả nước. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, diện tích trồng mới mít các tỉnh ĐBSCL hơn 1.100ha.
Nguy cơ cung vượt cầu, đẩy giá mít Thái vào tình cảnh dư thừa phải "giải cứu" như các loại nông sản khác như thanh long, dưa hấu… hiện hữu.
Trước tình hình đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo, do việc mở rộng diện tích trồng mít Thái ngày càng tăng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần phải chú ý một số vấn đề, như: cây mít chưa được các địa phương xác định là cây ăn quả chủ lực, do đó việc đầu tư, hỗ trợ cho phát triển sản xuất mít chưa có, phần lớn nông dân sản xuất tự phát, chưa có quy trình sản xuất cụ thể cho các loại hình trồng xen, trồng thuần và chuyển đổi từ đất lúa.