Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, gas giảm, trong khi giá xăng dầu và thực phẩm tăng mạnh.
Giá vàng giảm
Giá vàng thế giới trong tuần giao dịch vừa qua đi xuống sau hai tuần tăng liên tiếp, với mức giảm 1% chung cho cả tuần.
Cụ thể, phiên đầu tuần, giá vàng thế giới ghi nhận đà giảm theo ngày lớn nhất trong hai năm rưỡi, sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhượng bộ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản.
Thông tin này đã khích lệ các thị trường chứng khoán và đưa chỉ số USD lên mức cao nhất trong hơn một tuần, đồng thời khiến các nhà đầu tư tìm đến những tài sản có tính rủi ro cao hơn.
Giá vàng giảm.
Tuy nhiên, giá vàng lại đảo chiều đi lên với mức tăng 1,5% trong phiên 2/7. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm do các lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, thương mại thế giới và việc lợi suất trái phiếu Anh giảm xuống mức thấp trong 2 năm rưỡi là yếu tố chính chi phối giá vàng trong phiên này.
Giá vàng tiếp tục nối dài đà tăng sang ngày thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch 3/7, trong bối cảnh có nhiều hy vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất và những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Bước vào phiên giao dịch cuối tuần sau một phiên đóng cửa nghỉ lễ Quốc Khánh tại Mỹ, giá vàng giảm 2% sau số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng Sáu, làm giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng này. Khép lại tuần giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống còn 1.398,71 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức thấp 1.386,52 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm 1,5% và đóng phiên ở mức 1.400,10 USD/ounce.
Bộ Lao động Mỹ ngày 5/7 công bố số liệu về việc làm trong tháng 6/2019, theo đó nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 224.000 việc làm mới, một kết quả nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia. Giới phân tích nhận định số liệu lạc quan này sẽ làm giảm khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 30-31/7 tới. Gia tăng thêm áp lực lên giá vàng, đồng USD chạm mức “đỉnh” trong hơn hai tuần qua so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng triển vọng của giá vàng nhìn chung vẫn tích cực. Kim loại quý này đã chạm mức cao nhất trong sáu năm qua là 1.438,63 USD/ounce trong tuần trước. Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường của OANDA, cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ góp phần duy trì nhu cầu mạnh mẽ đối với vàng.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng
Tại kỳ điều hành hôm nay (2/7), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 xuống mức 200 đồng/lít (kỳ trước trích 300 đồng/lít; trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng RON95 và các loại dầu xuống mức 700 đồng/lít (kỳ trước trích 700 đồng/lít), đồng thời không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng.
Sau khi thực hiện việc trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng RON95-III: tăng 383 đồng/lít; Xăng E5RON92: tăng 420 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 292 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 326 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 105 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 19,653 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 20,517 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 16,949 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 15,937 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15,220 đồng/kg.
Giá gas giảm 19.000 đồng/bình 12 kg
Các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam vừa công bố giá gas bán lẻ tháng 7/2019 giảm 1.583 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức giảm 19.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 6/2019.
Giá gas giảm 19.000 đồng/bình 12 kg.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh - Saigon Petro cho biết từ ngày 1/7 giá bán gas Saigon Petro giảm 19.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó giá bán lẻ tối đa đến người tiêu dùng là 306.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, Công ty Gas Pacific Petro, City Gas, EFF Gas cũng giảm 19.000đồng/ bình 12 kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá 303.000 đồng/bình 12 kg.
Trong khi đó, Petrolimex Gas SaiGon cũng giảm 19.000 đồng/bình 12 kg. Theo đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh là 306.500 đồng/bình 12 kg.
Các công ty cho biết nguyên nhân giá gas tháng 7 giảm mạnh là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 365 USD một tấn, giảm 57,5 USD mỗi tấn so với tháng trước.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Như vậy, trong 2 tháng gần đây, tức tháng 6-7/2019, giá nhiên liệu này giảm tổng cộng 4.333 đồng mỗi kg, tương đương mỗi bình 12 kg giảm được 52.000 đồng.
Hà Nội: Giá thực phẩm, rau xanh tăng
Khảo sát tại hệ thống chợ truyền thống như Kim Liên, Thành Công, Châu Long... cho thấy, những ngày nắng nóng vừa qua, các loại rau có tính mát, giải nhiệt như muống, rau dền, rau ngót, mùng tơi, rau đay, mướp đắng, mướp hương, dưa chuột... tiêu thụ mạnh nên giá bán tăng nhẹ.
Chị Kim Loan, kinh doanh rau xanh tại chợ Nam Đồng cho biết, rau mùng tơi trước chỉ 3.000 đồng/mớ thì nay là 5.000 - 6.000 đồng/mớ; mướp hương cũng tăng nhẹ 2.000 - 3.000 đồng/kg; rau đay 7.000 đồng/mớ, tăng 1.000 đồng/mớ; bí xanh tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg, hiện 10.000 đồng/kg.
Hà Nội: Giá thực phẩm, rau xanh tăng.
Thực tế cho thấy, đắt khách hơn cả trong những ngày nắng nóng là cua đồng tươi sống. Mặt hàng này bán chạy đến mức cung không đủ cầu. Nhiều người tiêu dùng phản ánh, nếu như đầu tháng 6 giá cua đồng chỉ 150.000 - 170.000 đồng/kg thì nay giá đã tăng lên 220.000 - 250.000 đồng/kg. Mặc dù giá bán tăng nhưng nếu 9 - 10 giờ mới đi chợ thì khó mua được cua tươi sống bởi đã hết hàng. Theo các tiểu thương, nắng nóng nên lượng cua khai thác chuyển về chợ đầu mối không nhiều, trong khi nhu cầu tăng cao, giá bán tăng là điều khó tránh khỏi.
Không chỉ cua đồng mà ngao, hến, trai cũng khá đắt khách nên giá bán các mặt hàng này cũng tăng nhẹ 2000 - 4.000 đồng/kg. Hiện tại hệ thống chợ truyền thống, giá ngao trắng là 25.000 - 27.000 đồng/kg, trai 15.000 - 17.000 đồng/kg, trùng trục, hến giá 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Các tiểu thương kinh doanh thực phẩm, rau nhận định, những ngày tới, khi miền Bắc đón những cơn mưa rào khiến nền nhiệt hạ, giá bán những mặt hàng thực phẩm giải nhiệt tươi sống sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu thời tiết cứ tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì có thể giá các loại thực phẩm này tiếp tăng là điều không thể tránh khỏi.
Giá cá lóc ở Trà Vinh tăng cao
Khoảng 2 tháng nay, giá cá lóc (hay còn gọi là cá quả) nuôi thương phẩm ở Trà Vinh tăng thêm 4.000-5.000 đồng/kg. Hiện cá lóc nuôi thương phẩm loại I (0,4-1,1kg/con) có giá từ 41.000-42.000 đồng/kg. Với giá bán này, người nuôi đạt lợi nhuận từ 10.000-12.000 đồng/kg cá lóc thương phẩm.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, địa phương có tổng diện tích nuôi cá lóc nhiều nhất tỉnh, với khoảng 200 ha, chiếm hơn 80% diện tích nuôi cá lóc của tỉnh.
Giá cá lóc ở Trà Vinh tăng cao.
Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có gần 500 hộ thả nuôi hơn 59 triệu con giống cá lóc trên diện tích 127 ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 15.689 tấn. Nhiều tháng qua, từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, cá lóc nuôi thương phẩm rất hút hàng, giá luôn ổn định ở mức cao, từ 37.000-42.000 đồng/kg nên người nuôi thu được lợi nhuận khá.
Tuy giá cá lóc nuôi tăng nhưng ngành nông nghiệp huyện cảnh báo nông dân thận trọng trong mở rộng diện tích. Bởi cá lóc hiện chủ yếu được tiêu thụ nội địa, một số ít được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Campuchia. Do vậy, nếu nông dân ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá lóc tự phát dễ dẫn đến cung vượt cầu, giá cá xuống thấp.