Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, thực phẩm và trái cây tăng mạnh, trong khi gas rớt giá
Giá vàng tăng mạnh
Đầu tuần, giá vàng thế giới chịu áp lực từ đồng USD tăng mạnh, báo cáo kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan. Có lúc giá vàng đã giảm xuống mức 1.275 USD. Tính từ giá khởi điểm tuần, xuống mức thấp nhất tuần vàng thế giới mất 13 USD/oz.
Tuy nhiên, chỉ có 2 phiên cuối tuần giá vàng thế giới đã chinh phục mốc 1.300 USD, hiện đang giao dịch quanh mốc 1.306 USD/oz. Tính chung, trong tuần vàng thế giới đã tăng hơn 28 USD/oz so với giá mở cửa tuần. Nếu tính từ mức thấp nhất đến mức gia đang giao dịch, vàng thế giới đã biến động với bước giá tăng 31 USD/oz.
Giá vàng tăng mạnh.
Nguyên nhân là do nhà đầu tư đã mua mạnh vàng nhằm trú ẩn dòng tiền khi Mỹ áp thuế 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico từ 10/6 tới, gây áp lực trong việc ngăn cản dòng người di cư bất hợp pháp vào Mỹ. Ông chủ nhà Trắng còn tuyên bố sẽ áp thuế chống bán phá giá thùng bia không gỉ của Trung Quốc với mức 79,7% và áp thuế 1,73% đối với đệm. Sản phẩm thùng bia không gỉ của Trung Quốc sản xuất tại Đức mã Mexico cũng bị áp mức thuế lần lượt là 8,6% và 18,5%.
Cùng với đó, giữa tuần Hàn Quốc và Trung Quốc đều đưa ra các báo cáo kinh tế tháng Tư kém khả quan, trước đó, báo cáo kinh tế của Đức cũng hạn chế tăng trưởng. Xuất khẩu của 2 nước Hàn - Trung đều giảm mạnh, trong đó Trung Quốc giảm mạnh xuất khẩu sang Mỹ, còn Hàn Quốc giảm mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc do chiến tranh thương mại.
Thị trường trong nước, tính chung, trong tuần giá vàng có 3 phiên đầu tuần biến động nhẹ. 2 phiên cuối tuần vàng trong nước đi theo xu hướng thế giới tăng mạnh. Trong đó, giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 220.000 đồng/lượng so với đầu tuần. Các DN cũng tăng giá từ 200.000 - 230.000 đồng/lượng vàng miếng so với đầu tuần. Vàng nhẫn tăng 200.000 đồng/lượng so với đầu tuần.
Giá gas giảm 33.000 đồng/bình 12kg
Các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam vừa công bố giá gas bán lẻ tháng 6/2019 giảm 2.750 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương mức giảm 33.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5/2019.
Giá gas giảm 33.000 đồng/bình 12kg.
Cụ thể, Công ty Gas Pacific Petro, City Gas, EFF Gas cũng giảm 33.000 đồng/ bình 12 kg. Giá bán lẻ đến người tiêu dùng không vượt quá 322.000 đồng/bình 12 kg.
Trong khi đó, Petrolimex Gas SaiGon cũng giảm 33.000 đồng/bình 12kg. Theo đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh là 325.500 đồng/bình 12kg.
Nguyên nhân giá gas tháng 6 giảm mạnh được các nhà bán lẻ trong nước giải thích, là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 422,5 USD một tấn, giảm 105 USD mỗi tấn so với tháng trước.
Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Như vậy, sau năm tháng giá gas liên tục tăng tổng mức tăng 42.000 đồng/bình 12kg, thì đây là lần đầu tiên trong năm 2019 giá gas giảm mạnh đến 33.000 đồng/bình 12kg.
Giá cá chét tăng
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch tả heo Châu Phi đang lan rộng khiến người tiêu dùng cảm thấy lo ngại khi sử dụng thịt heo, nên nhu cầu sử dụng thủy hải sản trong bữa ăn hằng ngày tăng cao. Do đó, địa phương khan hiếm nhiều mặt hàng thủy hải sản để phân phối cho các đầu mối trong cả nước. Trong đó, cá chét tươi và cá chét ướp là mặt hàng được nhiều chủ vựa cá tại đây săn đón nhiều nhất, nên giá cá tăng mạnh.
Giá cá chét tăng.
Qua ghi nhận từ thực tế tại vựa cá Hiếu Nghĩa (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho thấy, giá cá chét ướp hiện tại giao động ở mức từ 215 - 225 ngàn đồng/kg (loại 1), từ 195 - 205 ngàn đồng/kg (cá loại 2), tăng khoảng 55 - 60 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, giá cá chét tươi loại 1 cũng tăng từ 80 ngàn đồng lên 100 ngàn đồng/kg, cá loại 2 tăng từ 70 ngàn đồng lên 85 - 90 ngàn đồng/kg so với tháng trước.
Với mức giá tăng vọt, ngư dân được mùa lại được giá, nên ai nấy đều hồ hởi, tích cực vươn khơi. Hiện nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ tại cửa biển Rạch Gốc lại tất bật chuẩn bị ngư cụ để tiếp tục ra khơi đánh bắt, với hi vọng tiếp tục trúng mùa, trúng giá như những ngày qua.
Giá gà tăng mạnh
Giữa lúc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp và không ngừng lây lan rộng thì giá gà ta thả vườn tăng mạnh.
Giá gà tăng mạnh.
Anh Nguyễn Ngọc Văn - người nuôi gà thả vườn ở huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, năm 2018, giá gà giảm mạnh, có thời điểm rớt ngang với giá gà công nghiệp, chỉ khoảng 39.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ sau tết Nguyên đán đến nay, giá gà đột nhiên tăng mạnh. Thương lái thu mua từ 55.000 - 57.000 đồng/kg với gà trống; 65.000 - 67.000 đồng/kg với gà mái.
Theo anh Văn, giá gia cầm tăng nóng gần đây là do trong một thời gian dài, các sản phẩm như gà, vịt luôn ở mức thấp, người nuôi thua lỗ nên giảm đàn, nguồn cung đến thời điểm này trở nên khan hiếm.
Tại tỉnh Đồng Nai, người chăn nuôi gà ta thả vườn ở các huyện Long Thành, Cẩm Mỹ cũng cho biết, gần 1 tháng trở lại đây, giá gà ta thả vườn tăng mạnh từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện giá gà ta bán tại trại từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, tùy vào gà trống hay mái.
Trái cây và rau xanh tăng giá mạnh
Thông tin tại các chợ đầu mối Bình Điền, chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết, giá mặt hàng trái cây, rau xanh tăng mạnh trong tuần qua.
Đơn cử, giá rau mồng tơi đã tăng thêm 2.000 đồng - 3.000 đồng/kg, rau muống tăng thêm 4.000 đồng/kg, các loại củ, quả như cà rốt, cà chua, dưa leo, bí, bầu… cũng có mức giá tăng giao động 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg. Giá bán còn tăng mạnh hơn đối với những mặt hàng trái cây như sầu riêng, thanh long, dưa hấu, mận…
Rau xanh tăng giá.
Theo các thương lái, giá các mặt hàng này mua tại vườn cũng đã cao hơn gấp 2 - 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Đơn cử, giá sầu riêng đã tăng từ 50.000 đồng lên 80.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2018. Giá thanh long cũng đang duy trì mức giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/kg…
Giá cao nhưng sản lượng cung ứng cũng rất hạn chế. Nhiều hộ nông dân cho biết, do mùa vụ năm nay không được thuận lợi về thời tiết nên sản lượng sau thu hoạch rất hạn chế. Nắm bắt được tình hình đó, ngay đầu mùa vụ, nhiều thương lái Trung Quốc đã tiếp cận các hộ nông dân và bao tiêu thu mua. Các thương lái cũng đã hỗ trợ nông dân thực hiện chuẩn hóa quy cách bao bì, dán tem nhãn để việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc được thuận lợi, tránh tình trạng bị trả hàng về như năm trước. Do vậy, lượng hàng còn lại cung ứng cho thị trường nội địa cũng giảm mạnh, dẫn đến giá cả những mặt hàng này cũng tăng theo.
Giá vải thiều tăng mạnh
Tại "Diễn đàn kinh tế sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản tỉnh Bắc Giang năm 2019", ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, sau gần 1 tuần thu hoạch vải thiều chín sớm, đến nay giá vải thiều bình quân từ 30-50 nghìn đồng/kg, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là năm mà chất lượng vải thiều đạt cao nhất của tỉnh Bắc Giang.
Giá vải thiều tăng mạnh.
Theo ông Thái, diện tích trồng vải thiều năm 2019 của tỉnh Bắc Giang duy trì trên 28.000 ha, lớn nhất cả nước, sản lượng hàng năm đạt trên 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn; vải thiều chính vụ khoảng 22.000 ha, sản lượng khoảng 110.000 tấn.
Đáng chú ý, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 14.000 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha - được Mỹ cấp mã số (IRADS) với 394 hộ sản xuất; Trung Quốc đã cấp 149 mã vùng trồng với diện tích trên 16.000 ha và 86 cơ sở đóng gói.
Tương tự, vùng trồng vải chính của tỉnh Hải Dương là huyện Thanh Hà cũng ở vào giai đoạn “trúng giá”. Do thời tiết năm nay không thuận, sản lượng vải quả huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương ước đạt 18.000 tấn, giảm trên 55% so với năm 2018. Vải thiều chính vụ năm nay mất mùa, chỉ có khoảng 10% số cây cho quả. Đổi lại, giá vải quả năm nay tăng gấp nhiều lần so với năm trước. Tại điểm thu mua thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính, vải quả đang được thu mua từ 25 đến 30 nghìn đồng/1 kg, tùy theo chất lượng. Loạt vải sớm từ giữa tháng 5 tại đây thu mua từ 50 đến 60 nghìn đồng/1 kg, rồi giảm xuống 35, 40 nghìn đồng. Nay thương lái của Việt Nam và Trung Quốc đổ về đây mua vải rất đông. Mỗi ngày địa điểm thu mua này tiêu thụ hàng trăm tấn vải quả cho bà con.