Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng và trứng giảm mạnh, trong khi giá xăng, thực phẩm tăng.
Giá vàng giảm mạnh
Tuần qua, kinh tế ở nhiều khu vực dự báo giảm tăng trưởng, nhưng đồng USD liên tục mạnh lên, khiến vàng chịu áp lực.
Đầu tuần, báo cáo kinh tế của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu tăng mạnh, khiến cho giá vàng thế giới giảm mất mốc 1.290 USD/oz, về mức 1.287 USD/oz.
Cả tuần không có phiên nào tăng, giá vàng thế giới giảm liên tục 4 phiên liền. Đứng phiên cuối tuần tại mức 1.275,89 USD/oz. Tính chung trong tuần giá vàng thế giới mất hơn 15 USD/oz so với chốt phiên cuối tuần trước.
Chuyên gia đánh giá, nguyên nhân dẫn đến giá vàng giảm liên tục là do, Mỹ - Trung Quốc đang tiến gần đến thỏa thuận thương mại. Xuất khẩu của Trung Quốc tăng trở lại, đồng USD và yên Nhật tăng mạnh, khiến vàng mất đi cơ hội đầu cơ.
Giá vàng giảm mạnh.
Tuần qua, phiên đầu tuần ngày 15/4, thị trường trong nước nghỉ Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Sau kỳ nghỉ giá vàng trong nước cũng giảm mạnh theo xu hướng thế giới. Ngay phiên đầu tuần, giá vàng trong nước đã giảm 30.000 - 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.
Trong tuần, vàng trong nước có phiên 17/4 giảm sâu nhất. Khi đó vàng thế giới mất hơn 10 USD/oz, vàng SJC giảm từ 70.000 - 80.000 đồng/lượng. Vàng nhẫn mất đến 150.000 đồng/lượng.
Nguyên nhân giá vàng giảm mạnh là do đồng USD tăng, khiến cho vàng giảm mạnh. Giá vàng trong nước cũng có 4 phiên giảm liên tục từ 16-19/4.
Chỉ đến phiên cuối tuần, mở cửa ngày 20/4 giá vàng SJC mới bật tăng nhẹ 30.000 đồng/lượng.
Tính chung trong tuần vàng SJC trên thị trường tự do đã giảm 80.000 đồng/lượng so với mức giá mở cửa tuần. So với chốt phiên tuần trước vàng SJC giảm 110.000 đồng/lượng.
Xăng, dầu tăng giá mạnh
Tại kỳ điều hành hôm nay (17/4), liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
Xăng, dầu tăng giá mạnh.
Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể, xăng E5RON92: 1.456 đồng/lít (kỳ trước chi 2.042 đồng/lít); Xăng RON95: 743 đồng/lít (kỳ trước chi 1.304 đồng/lít); Dầu mazut: 0 đồng/kg (kỳ trước chi 362 đồng/kg).
Sau khi thực hiện trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau: Xăng E5RON92: tăng 1.115 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 1.202 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 297 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 291 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 407 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 19.703 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 21.235 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 17.384 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 16.262 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 15.617 đồng/kg.
Giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau thời gian giảm xuống mức thấp, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu loại 1 (thịt trắng, cỡ 0,8-1kg/con) tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… hiện ở mức 24.000-25.000 đồng/kg tăng từ 500-1.000 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.
Giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng.
Theo nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra, với mức giá hiện tại, người nuôi có thể kiếm lời từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng một kg cá tra thương phẩm. Nguyên nhân giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại là do nhiều đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ chế biến khi đầu ra xuất khẩu cá tra tiếp tục khởi sắc.
Thực phẩm tăng giá
Tại cửa hàng chuyên bán rau sạch trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3, TP Hồ Chí Minh), giá bó rau muống sạch mua tuần trước là 14.000 đồng, sáng qua (18.4), cửa hàng niêm yết giá bó rau này 17.000 đồng. Hỏi sao tăng đột ngột quá vậy, cô chủ cửa hàng bảo nhẽ ra đã tăng từ tuần trước, những cố giữ giá, sáng nay xe chở rau đến đã tăng, cộng thêm giá mua tại nông trại tăng, nên buộc phải tăng thêm 10 - 20% cho giá các loại rau củ bán trong cửa hàng.
Thực phẩm tăng giá.
Tương tự, ông Lê Quang Hậu, chủ cơ sở chả sạch Quang Hậu (Q.Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), cho hay bột ngọt hiệu Ajinomoto của cơ sở mua lâu nay tăng 3.000 đồng/kg từ tuần trước và sáng qua tăng tiếp 2.000 đồng/kg. Tổng cộng hai lần tăng hơn 10% so với tháng trước. Giá thịt bán sỉ tại các chợ đầu mối sáng qua chưa thấy tăng, tuy nhiên giá thịt tại chợ bán lẻ đã rục rịch tăng. Tại chợ Thái Bình (Q.1, TP Hồ Chí Minh), theo người bán, giá thịt nạc thăn tăng 5.000 đồng/kg từ hôm qua (giá cũ 85.000 đồng, giá mới 90.000 đồng/kg), thịt ba chỉ 135.000 đồng/kg (tăng 15.000 đồng/kg so với tuần trước), giá sườn 125.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng).
Giá trứng gia cầm thấp kỷ lục
Giá trứng có đợt sụt giảm mạnh sau Tết nguyên đán, sau đó có đợt hồi phục cuối tháng 3 đầu tháng 4 nhưng đến thời điểm này (hôm nay 18/4), giá lại quay đầu lao dốc mạnh.
Ghi nhận tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Dịch Vọng, Chợ Cầu Giấy, chợ Minh Khai, chợ Xanh, Chợ Phùng Khoang, giá trứng tiếp tục giảm trên dưới 500 đồng/quả so với vài ngày trước.
Cụ thể, trứng vịt loại quả to giá bán lẻ từ 2.300 - 2.600 đồng/quả, loại nhỏ hơn giá 1.800 - 2.000 đồng/quả; trứng gà ta từ 4.000 - 4.500 đồng/quả; trứng gà công nghiệp có giá từ 1.800 - 2.000 đồng/quả; trứng gà ai cập giá chỉ từ 2.500 đồng/quả; trứng vịt lộn giá dao động từ 3.000 - 3.500 đồng/quả…
Giá trứng gia cầm thấp kỷ lục.
Chị Trần Thị Hoa, chủ kinh doanh trứng gia cầm nhiều năm tại chợ Minh Khai ( Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, giá trứng có chiều hướng tiếp tục giảm giá mạnh từ 2-3 tuần nay. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung khá dồi dào từ các trang trại chăn nuôi.
"Đến thời điểm mùa hè, mặt hàng trứng gia cầm cũng rơi vào tình trạng giá giảm và bị ùn đọng hàng nhưng không đến mức giá rẻ và khó tiêu thụ như năm nay", chị Hoa nói.