Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá xăng, gas và các loại thực phẩm tăng mạnh, trong khi giá vàng, thanh long giảm.
Giá vàng thế giới đi ngang, vàng trong nước giảm
Mở cửa tuần ngày 1/4, giá vàng tại thị trường châu Á giao dịch quanh mức 1.292 USD/oz. Hầu hết các phiên giao dịch trong tuần qua giá vàng không có nhiều biến động. Trong tuần Mỹ công bố báo cáo việc làm vào ngày 4/4, khi đó số liệu việc làm giảm mạnh 55.000 việc làm so với kỳ vọng, giá vàng có lúc tăng lên mức 1.296 USD/oz, nhưng cũng không giữ được lâu, chốt phiên tiếp tục giảm về mốc 1.292 USD/oz. Phiên sau đó, giá vàng tiếp tục duy trì ở mức 1.290 - 1.292 USD/oz.
Giá vàng thế giới đi ngang, vàng trong nước giảm.
Mặc dù cuối tuần, Ngân hàng thế giới (WB) đã dự báo kinh tế Nga năm 2019 chỉ tăng trưởng đạt khoảng 1,4%, thay vì 1,5% dự báo trước đó. Năm 2018, kinh tế của Nga đã đạt mức tăng trưởng 2,3%, tăng cao hơn dự báo 1,6% của tổ chức này. Mặc dù dự báo tăng trưởng giảm nhưng giá vàng cũng không có biến động.
Mở cửa phiên sáng nay 6/4, giá vàng thế giới giao dịch quanh mốc 1.292 USD/oz, tính chung cả tuần, giá vàng thế giới cơ bản đi ngang.
Nhà đầu tư đang dồn tâm điểm vào Hội nghị chờ cuộc họp của nhóm G7 Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ sẽ tập trung bàn về phi hạt nhân hóa Triều Tiên và các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc cùng nhiều nội dung khác. Cùng với đó là chờ đợi việc Anh quyết định Brexit khi hạn rời khỏi EU sắp đến là ngày 12/4.
Nếu cuộc họp G7 các nước đi đến thống nhất cao về các giải pháp giải quyết phi hạt nhân hóa và hạn chế được Trung Quốc thông qua việc yêu cầu quốc gia này thay đổi kết cấu kinh tế thì vàng sẽ giảm mạnh. Ngược lại các nước bế tắc trong việc giải quyết các vụ việc thì vàng sẽ có cơ hội tăng.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng đi theo xu hướng thế giới. Hầu hết các phiên trong tuần giá vàng biến động nhẹ, chủ yếu trong giao dịch giá vàng điều chỉnh giảm. Giá vàng SJC loanh quanh trong mốc 36,3 – 36,4 triệu đồng/lượng.
Giá xăng tăng mạnh
Tại kỳ điều chỉnh ngày 2/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định tăng giá xăng mạnh, thêm gần 1.500 đồng/lít.
Giá xăng tăng mạnh.
Cụ thể, từ 17h ngày 2/4, giá xăng E5 RON92 tăng 1.377 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 1.484 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng tăng 1.000-1.200 đồng. Cụ thể, dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.127 đồng/kg.
Như vậy, giá bán xăng E5 RON92 không cao hơn 18.588 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 20.033 đồng/lít.
Giá bán dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.087 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.971 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.210 đồng/kg.
Giá gas tháng 4/2019 tiếp tục tăng thêm 7.000 đồng/bình 12kg
Các đơn vị đầu mối kinh doanh, phân phối mặt hàng gas tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam công bố giá gas tháng 4/2019 tăng 583 đồng/kg (đã bao gồm VAT), tương đương 7.000/bình 12 kg so với tháng 3/2019.
Theo Chi hội Gas miền Nam, từ ngày 1/4/2019, giá gas bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của một số thương hiệu, gồm: Petrovietnam, Petrolimex, Sp gas, gas Dầu khí… dao động ở mức 350.000 - 360.000 đồng/bình 12 kg.
Giá gas tháng 4/2019 tiếp tục tăng thêm 7.000 đồng/bình 12kg.
Nguyên nhân giá gas tháng 4 tiếp tục leo thang được các nhà bán lẻ trong nước giải thích, là do nhà cung cấp thế giới công bố giá nhiên liệu 525 USD một tấn, tăng 20 USD mỗi tấn so với tháng trước. Hiện giá gas trong nước phụ thuộc vào diễn biến thế giới do nguồn cung nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ.
Như vậy, đây là tháng thứ tư liên tiếp trong năm 2019 nhiên liệu này tăng giá tại các điểm bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Nếu tính cả 4 tháng đầu năm, giá gas bán lẻ các tỉnh phía Nam đến tay người tiêu dùng tăng 3.333 đồng mỗi kg và đội lên 40.000 đồng mỗi bình 12 kg.
Giá các loại thực phẩm tăng
Tại Hà Nội
Qua khảo sát tại hệ thống chợ truyền thống tại Hà Nội như Thành Công, Kim Liên, Thanh Xuân… cho thấy, những ngày đầu tháng 4/2019, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống đã bắt đầu tăng so với cuối tháng 3. Hiện cá quả có giá 120.000 đồng/kg, cá điêu hồng 75.000 đồng/kg, cá chép 100.000 đồng/kg, cá trê 50.000 đồng/kg...
Thịt gà ta, thịt ngan, vịt cũng tăng nhưng không nhiều, chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/kg, hiện thịt vịt có giá từ 50.000 đến 60.000 đồng/kg, thịt gà ta 130.000 đồng/kg, đặc biệt giá thịt gà công nghiệp tăng mạnh từ 65.000 đồng/kg lên 75.000 - 80.000 đồng/kg do nhu cầu thay thế thịt lợn từ các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp.
Một số loại rau như dền đỏ, muống, ngót, cải có giá từ 8.000 - 12.000 đồng/bó. Một số tiểu thương cho biết, mức giá này tương đương thời điểm Tết Nguyên đán do đây là thời điểm giao mùa, các loại rau không đủ cung ứng. Riêng đối với mặt hàng thịt gà, sức mua đã tăng gấp đôi so với thời điểm chưa bùng phát dịch tả lợn châu Phi.
Giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội bắt đầu tăng.
Những ngày gần đây, dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế nên người tiêu dùng bắt đầu quay trở lại sử dụng thịt lợn khiến giá bán có chiều hướng tăng. Khảo sát tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm... vào sáng 4/4 cho thấy, sức tiêu thụ thịt lợn đã được cải thiện. Người tiêu dùng không còn hạn chế mua và sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, nhằm ngăn chặn bệnh và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện nay các cơ sở giết mổ trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện: Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Mê Linh.
Tại Công ty chăn nuôi CP miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục được điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg đối với lợn thịt với trọng lượng dưới 115kg và tăng 2.000 đồng đối với lợn thịt có trọng lượng trên 115kg.
Tại TP Hồ Chí Minh
Dù dịch tả heo châu Phi chưa vào TP Hồ Chí Minh, sức tiêu thụ thịt heo giảm mạnh đẩy giá thịt gà và thủy hải sản tăng cao.
Cụ thể, tại các chợ ở TP Hồ Chí Minh, giá thịt bò tăng 20.000 đồng so với trước đây lên 230.000-270.000 đồng một kg (tùy loại). Giá gà công nghiệp thay vì 45.000 đồng nay cũng tăng lên 55.000 đồng một kg, gà ta lên 130.000-140.000 đồng một kg. Các loại cá như điêu hồng, chép, trê tăng 15.000-20.000 đồng mỗi kg.
Thịt gà tại TP Hồ Chí Minh tăng giá.
Theo các tiểu thương, giá các mặt hàng này tăng mạnh là do sức mua tăng đột biến. Chị Hạnh, tiểu thương chợ Thị Nghè (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, 3 tuần gần đây thay vì lấy 10 kg thịt gà như thông thường, mỗi ngày chị đều tăng gấp đôi hoặc gấp ba lượng nhập so với trước đó. Không những vậy, các quán ăn trước kia mua sườn heo nhiều thì nay giảm số lượng và chuyển sang thu mua đùi gà với số lượng lớn.
Là đầu mối cung cấp thịt gà, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà Foods cho biết, mỗi ngày công ty bán ra 200 tấn thịt, cao gấp đôi so với trước đây. Trước đây, tăng trưởng bình quân của công ty đạt khoảng 10-15% nhưng từ đầu năm đến nay đã đạt 30%. Công ty đang đẩy mạnh nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Thanh long rớt giá
Mấy ngày qua, giá thanh long ở tỉnh Bình Thuận liên tục giảm mạnh, từ 18.000 đồng/kg xuống chỉ còn 12.000 đồng/kg. Thanh long xuất khẩu loại đẹp, thương lái cũng chỉ mua với giá không quá 13.000 đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do lượng hàng ở các vựa lớn xuất khẩu đi Trung Quốc tồn kho nhiều, dẫn đến giá thấp.
Anh Nam, thương lái chuyên mua thanh long ở khu vực Mương Mán - Phú Hội cho biết: “Giá thanh long giảm xuống khoảng 10 ngày trước tới nay và liên tục hạ. Đợt này rớt giá là do hàng nhiều, nguồn hàng ngoài đó còn nhiều nên giá thấp”.
Thanh long rớt giá.
Được biết, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 30.000 ha thanh long. Hiện tại, giá thanh long đang tuột dốc, trong khi giá điện lại vừa đột ngột tăng thêm 8,36% từ ngày 20/3, khiến cho nhà vườn trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận choáng váng, bởi lẽ tiền điện chong đèn cho thanh long ra trái chiếm phần lớn trong chi phí đầu tư sản xuất.