Xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) có khoảng 305 ha trồng rau màu, trong đó có khoảng 80 ha trồng cây su su. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng su su lớn nhất, có năng suất cao nhất trong vùng bãi ngang thuộc hai huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Cây trồng này cũng được nông dân nơi đây canh tác vài chục năm nay theo diện tự phát mà không ký kết thu mua với đơn vị nào. Su su là loại cây dễ trồng, không tốn công chăm bón, khả năng chống chịu với sâu bệnh lớn nên năng suất hơn hẳn các loại cây trồng khác. Ước tính mỗi năm sản lượng su su tại địa phương đạt hàng chục nghìn tấn.
Giá su su rớt thê thảm, người dân không buồn thu hoạch nên rụng đầy vườn.
Chị Nguyễn Thị Yến cho biết, vào thời điểm được giá, su su được thương lái mua tại vườn với giá 3.000-4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến thời điểm cuối tháng 20/12 (âm lịch) chỉ còn 200 - 300 đồng một kg.
"Thời gian giá cầm chừng 200 - 300 đồng/kg kéo dài khoảng một tháng, tới tuần trước thì nhích lên 1.000 đồng/kg; với giá bán này gia đình không đủ tiền trả công thuê người thu hoạch nên đành để cho quả rụng", chị Yến nói.
Với diện tích trồng 1,5ha su su, khi phải để cả chục tấn su sung rụng đầy vườn, chị Yến ước tính thiệt hại gần 50 triệu đồng/ha.
Thời điểm giá 200 đồng một kg, nhiều hộ dân lấy quả ủ làm phân bón.
Theo nông dân nơi đây, nguyên nhân su su rớt giá là do dịp Tết Nguyên đán thương lái nghỉ mua và những ngày ra năm mới, sức tiêu thụ ít. Nếu được mùa và với mức 3.000 - 4.000 đồng một kg thì một ha su su sau khi trừ chi phí, người trồng thu được hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên với giá 1.000 đồng mỗi kg, người nông dân đang bị lỗ nặng.
"Thời điểm giá 200 đồng một kg, nhiều hộ dân lấy quả cho trâu bò ăn, thậm chí ủ làm phân bón, nhiều hộ không buồn thu hoạch để quả rụng khắp vườn mà không thèm gom bán vì không bõ công sức", một hộ dân nói.
Dự báo trong thời gian tới giá có thể tăng trở lại.
Theo bà Nguyễn Oanh - Chủ nhiệm HTX tiêu thụ rau Phương Liên, trên địa bàn có gần 20 cơ sở thu mua rau, củ quả cho nông dân; ước tính hàng ngày có hàng trăm tấn rau được vận chuyển tiêu thụ đi các tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc, Lào...
"Năm nay thời tiết thuận lợi, nguồn rau củ nhiều, su su không xuất khẩu được nên rớt giá. Tuy nhiên với mức 1.000 đồng một kg như hiện nay thì người dân không còn vứt bỏ. Dự báo trong thời gian tới giá có thể tăng trở lại", bà Oanh nói.