Bản tin tiêu dùng trong tuần qua: Giá vàng, giá xăng dầu, rau xanh, thủy sản, trái cây đồng loạt tăng mạnh, trong khi giá bí đỏ rớt thê thảm.
Giá vàng tăng mạnh
Mở cửa tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.289 USD. Thời điểm đầu tuần, các thông tin kinh tế và chính trị đều không hỗ trợ cho thị trường vàng, Cụ thể, Mỹ và Trung Quốc tạm thời đạt được thỏa thuận không áp đặt thuế cao lên hàng hóa của nhau. Mỹ và Triều Tiên tiến gần đến cuộc họp thượng đỉnh, với thiện chí của phía Bình Nhưỡng là phá hủy khu vực thử hạt nhân.
Giá vàng tăng mạnh.
Vàng do vậy đã mất đi vai trò trú ẩn và giảm dần xuống 1.280 USD/oz, sau đó giá vàng đã bật tăng mạnh lên trên 1.304 USD vào sáng ngày 24/5.
Đầu phiên sáng nay 26/5, giá vàng thế giới giao dịch tại thị trường châu Á ở mức 1.300 USD, cũng giảm 4 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua và ngang giá so với chốt phiên tại thị trường Mỹ trước đó vài giờ.
Tính chung, trong tuần giá vàng thế giới đã có đợt điều chỉnh mạnh. Tính từ mốc thấp nhất là 1.280 đến mốc 1.304 USD, giá vàng đã tăng giảm tới 24 USD trong tuần. Cả tuần, giá vàng quốc tế tăng 11 USD so với giá mở cửa tuần, tăng 8 USD so với chốt phiên cuối tuần trước.
Ngay phiên đầu tuần khi giá giá vàng quốc tế giảm 3 USD thì vàng SJC trong nước lại bật tăng 60.000 - 70.000 đồng/lượng ở cả thị trường tự do và DN. Đối với vàng nhẫn còn tăng mạnh lên 100.000 đồng/lượng.
Mặc dù thị trường quốc tế tăng – giảm mạnh, nhưng thị trường trong nước chủ yếu điều chỉnh từ 20.000 – 70.000 đồng/lượng vàng SJC mỗi phiên. Vàng nhẫn điều chỉnh mạnh nhất vào phiên 25/5 ở mức 130.000 đồng/lượng.
Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư cần quan sát kỹ thị trường về những yếu tố ảnh hưởng. Nếu Italy và Thổ Nhĩ Kỳ khủng hoảng sâu thêm thì có lẽ thế giới bắt đầu bước vào thời kỳ đầu khủng hoảng kinh tế, vàng sẽ tăng giá mạnh.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa phát đi thông báo về điều chỉnh giá các mặt hàng xăng, dầu vào chiều (23/5).
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh.
Theo đó, tại kỳ điều chỉnh này, Liên Bộ Tài chính - Công Thương quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau: Xăng E5 RON 92 là 1.425 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 958 đồng/lít); Xăng RON 95: 831 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 451 đồng/lít) Dầu diesel: 300 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít); Dầu hỏa: 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít); Dầu mazut: 200 đồng/kg.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau:
Xăng E5 RON92 tăng 500 đồng/lít; Xăng RON95-III: tăng 600 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 587 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 523 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 678 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá như sau:
Xăng E5 RON 92 không cao hơn 19.940 đồng/lít; Xăng RON 95-III không cao hơn 21.511 đồng/lít.
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.694 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 16.440 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.437 đồng/kg.
Theo Liên Bộ Công Thương- Tài chính do tình hình bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông và sụt giảm nguồn cung dầu từ Venezuela, giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng rất cao.
Rau xanh, thủy sản, trái cây tăng giá
Do nắng nóng kéo dài, nhiều mặt hàng thực phẩm giải nhiệt đắt hàng và trở nên khan hiếm. Tại các chợ Hà Nội, giá một số mặt hàng hoa quả, rau xanh, tôm, cua đã bắt đầu tăng từ vài ngày nay. Tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Thành Công, Kim Liên, Châu Long giá nhiều loại rau xanh mùa Hè có tác dụng thanh nhiệt như rau mồng tơi, rau muống, rau cải xanh, bầu bí đã tăng giá nhẹ 2.000 - 3.000 đồng/mớ/kg. Hiện rau muống tùy vào bó to, nhỏ có giá từ 5.000 - 10.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000 - 7.000 đồng/mớ, rau cải 20.000 đồng/kg, mướp hương 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Rau xanh, thủy sản, trái cây tăng giá.
Không chỉ rau xanh, một số loại hải sản như tôm, cua, cá… cũng tăng giá 10 - 15% so với trước kỳ nắng nóng. Hiện ngao trắng có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg; rô phi 40.000 - 45.000 đồng/kg, cá chép 70.000 - 75.000 đồng/kg, cá điêu hồng 65.000 - 70.000 đồng/kg, tôm đồng 220.000 - 250.000 đồng/kg… Đặc biệt, mặt hàng cua đồng tăng giá mạnh với mức tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, hiện có giá 190.000 - 200.000 đồng/kg.
Nắng nóng cũng kéo theo giá một số loại trái cây giải nhiệt tăng giá mạnh. Dưa hấu Sài Gòn loại ngọt bán khá chạy, giá dao động từ 19.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước; Dưa hấu hắc mỹ nhân của Quảng Nam tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg hiện được bán với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg; Dưa lê tăng 2.000 đồng/kg, lên 17.000 - 20.000 đồng/kg. Các loại hoa quả cam, quýt, bưởi, dừa... cũng tăng 4, 5 giá, hiện cam sành 35.000 - 40.000 đồng/kg, xoài Thái 40.000 - 45.000 đồng/kg, quýt Sài Gòn 60.000 - 62.000 đồng/kg...
Bí đỏ rớt giá thê thảm
Vụ Xuân năm 2018, trên địa bàn xã Yên Lập trồng khoảng 50ha cây bí đỏ, với năng suất trung bình 4,5- 5 tạ/sào, nếu giá thu mua của thương lái từ 5- 6 nghìn đồng/kg sẽ cho nông dân thu lãi hơn 2 triệu đồng/sào, cao hơn hẳn các cây rau màu khác.
Bí đỏ rớt giá thê thảm.
Những tưởng sẽ đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn, ấy vậy mà hiện nay, bí rớt giá thê thảm, giá thu mua chỉ dao động ở mức 3 - 3,5 nghìn đồng/kg. Nếu như những năm trước, đến vụ thu hoạch thương lái từ khắp các nơi trực tiếp về thu mua tấp nập thì nay, khung cảnh vắng vẻ, buồn bã lại đang diễn ra ở đây. Đầu ra bấp bênh, thu hoạch không có tư thương đến thu mua khiến những người nông dân ở đây "đứng ngồi không yên".