Vàng tăng 12 USD/oz so với cuối tuần trước
Đầu tuần (9/4) giá vàng thế giới khởi điểm ở mức 1.332 USD, đi ngang so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước. Nhưng sau 4 phiên tăng liền, đến ngày 12/4, giá vàng thế giới đã tăng lên chốt ở mức 1.352 USD/oz, trong phiên 12/4 có lúc vàng đã tăng mạnh lên mức 1.366 USD/oz, khi Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã chỉ đạo Chính phủ chuẩn bị các kế hoạch đáp trả Mỹ. Thủ tướng Nga cho rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ về kinh tế đối với Nga là không hợp pháp.
Phiên sau đó, vàng đảo chiều đi xuống khi ông Tập Cận Bình có bài phát biểu tại Bác Ngao sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô và một số mặt hàng của Mỹ.
Nhưng chỉ có những lời hứa của ông Tập không đủ mạnh để đưa vàng giảm sâu, theo nhận định của chuyên gia, bất ổn chính trị tại Syria vẫn là yếu tố hỗ trợ mạnh giá vàng. Vì sau khi Nga điều tàu chiến đến Địa Trung Hải, thì Mỹ đã đáp trả bằng việc tấn công Syria vào sáng nay (giờ Hà Nội).
Tính chung cả tuần vàng thế giới đã tăng 12 USD/oz so với cuối tuần trước. Nhận định của chuyên gia, khi chiến sự đã diễn ra trên Syria thì có thể vàng thế giới sẽ chạm đến mức 1.400 USD/oz.
Mỗi bước tăng – giảm của vàng thế giới đều kéo vàng trong nước đi theo. Tính chung cả tuần giá vàng SJC trên thị trường tự do đã tăng 270.000 đồng/lượng. Tại DN giá vàng miếng đã tăng 210.000 đồng/lượng so với đầu tuần.
Cùng với vàng miếng, vàng nhẫn cũng được các DN điều chỉnh tăng mạnh.
Như vậy, hôm nay là phiên thứ 2 trong tuần vàng SJC và vàng nhẫn đều vọt lên giao dịch trên mốc 37 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia nhận định, vàng vẫn còn cơ hội tăng khi chiến sự tại Syria ngày càng “nóng”. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo, vàng có thể tăng rất nhanh khi căng thẳng gia tăng, nhưng cũng giảm rất mạnh khi những căng thẳng hạ nhiệt. Do đó, nhà đầu tư vàng luôn phải theo dõi thị trường sát sao để chốt lời sớm trước khi vàng rơi mạnh.
Giá lúa gạo đồng loạt tăng mạnh
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các thị trường xuất khẩu gạo trong tuần này, giá gạo đồng loạt tăng mạnh do nhu cầu tăng của thị trường.
Mới đây, Indonesia vừa hoàn tất hợp đồng 500.000 tấn gạo, trong đó 300.000 tấn của Việt Nam và 200.000 tấn của Thái Lan. Chính vì thế, giá gạo ở cả hai thị trường đều khởi sắc và tăng cao.
Theo đó, gạo 5% tấm của Thái Lan giá tăng lên 430 – 448 USD/tấn, từ mức 415 – 435 USD/tấn một tuần trước đó.
Còn tại Việt Nam, giá tăng tuần thứ 2 liên tiếp do ký được hợp đồng bán cho Indonesia, và dự báo sắp ký được hợp đồng với Philippines.
Gạo 5% tấm giá tăng lên 425 – 430 USD/tấn, từ mức 410 – 428 USD/tấn một tuần trước đây.
“Chúng tôi nghe tin Philippines sắp mở thầu nhập khẩu khoảng 250.000 tấn gạo, có thể cuối tuần này hoặc tuần tới”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết, và thê rằng: “Tôi nghĩ giá sẽ vẫn cao do nhu cầu tăng, mặc dù đã giữa vụ thu hoạch Đông – Xuân”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3 năm 2018 ước đạt 524.000 tấn, giá trị đạt 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,36 triệu tấn và 669 triệu USD, tăng 9,4% về khối lượng nhưng tăng tới 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm đạt 491 USD/tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đáng mừng hơn, giá xuất khẩu gạo có xu hướng tăng nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên (năm 2017, trong cơ cấu gạo xuất khẩu 81% là gạo chất lượng cao).
Giá nhiều mặt hàng trái cây tăng
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 3/2018, giá của nhiều mặt hàng trái cây diễn biến tăng do nhu cầu tăng.
Cụ thể, giá mít Thái tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao, đạt mức kỷ lục từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giá mít tăng cao là do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua khá thuận lợi.
Bên cạnh đó, dưa hấu tại tỉnh Trà Vinh hiện đang vào vụ thu hoạch nhưng vẫn ở mức giá có lời là 7.400 đồng/kg. Vú sữa Tại Tiền Giang cũng được bán với giá tốt dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5.000 đồng/kg.
Giá rau một số tỉnh đặc biệt là khu vực phía Bắc lại giảm mạnh
Cụ thể, thị trường rau củ tại Lâm Đồng và một số các tỉnh miền Bắc trong tháng 3/2018 diễn biến giảm: khoai tây hiện chỉ còn 10.000 - 11.000 đồng/kg (loại 1); hành tây còn 3.000 đồng/kg (giảm 4 lần so với trước tết); cà rốt giảm đến 5.000 đ/kg, từ 25.900 đồng xuống còn 20.900 đồng/kg; bắp cải trắng từ 11.500 còn 9.500 đồng/kg; giá củ cải và su hào tại một số tỉnh miền Bắc chỉ ở mức 1.000-1.200 đồng, cần sự “giải cứu”.
Nguyên nhân chính vẫn là do nguồn cung gia tăng với điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi nhu cầu vẫn không có đột biến.