Bản tin tiêu dùng trong tuần qua: Giá vàng, giá xăng dầu, giá heo tăng mạnh. Trong khi đường và nhiều loại trái cây lại "rớt giá" thê thảm.
Giá vàng tăng mạnh
Mở cửa phiên đầu tuần giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.317 USD, tăng 3 USD so với chốt phiên cuối tuần trước. Tăng 3 phiên liền, giá vàng đảo chiều đi xuống khi ông Donald Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhưng cũng chỉ có 1 phiên giảm nhẹ, vàng lại bật tăng 3 phiên liền về cuối tuần.
Giá vàng tăng mạnh.
Đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại thị trường châu Á vàng thế giới đã bật tăng lên đứng ở mức 1.324 USD/oz, tăng 11 USD/oz so với chốt phiên trước. Tại thị trường Mỹ đóng cửa vào rạng sáng ngày thứ Bảy (12/5), giá vàng thế giới đứng ở mức 1.318 USD/oz, tăng nhẹ hơn 1 USD/oz so với chốt phiên trước.
Tính chung cả tuần giá vàng thế giới đã tăng 4 USD so với chốt phiên cuối tuần trước. Giá vàng giao tháng 6 tăng lên mức 1.323 USD/oz.
Như vậy, vàng thế giới đã chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm giá liên tiếp khi Triều Tiên quyết định từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Còn trên thị trường trong nước, tính chung cả tuần giá vàng tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên tuần trước.
Chuyên giá nhận định, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng. Sang tuần tới các quốc gia có DN đầu tư vào Iran sẽ có những động thái giải quyết vấn đề hạt nhân tại quốc gia này. Sự bế tắc sẽ khiến cho căng thẳng leo thang, giúp vàng tăng giá khi các quỹ mua vào dự trữ. Chuyên gia khuyến cáo đây là thời điểm giá tốt để nhà đầu tư mua vào.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh
Theo đó, bắt đầu từ 15h chiều 8/5, giá xăng E5 RON92 được điều chỉnh tăng 508 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 411 đồng/lít;
Dầu diesel 0.05S tăng 373 đồng/lít; dầu hỏa tăng 336 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 399 đồng/kg.
Như vậy, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5 RON9 không cao hơn 19.440 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 20.911 đồng/lít;
Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.107 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.917 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.759 đồng/kg.
Giá xăng dầu đồng loạt tăng mạnh.
Kỳ này Liên bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
Về chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Liên bộ quyết định chi 958 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 (kỳ trước chi sử dụng 958 đồng/lít); chi 451 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 451 đồng/lít);
Dầu diesel chi 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít); dầu hỏa chi 200 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 200 đồng/lít).
Nguyên nhân là thời gian gần đây, giá thành phẩm xăng dầu thế giới có xu hướng tăng và đứng ở mức cao. Giá thành phẩm thế giới xăng RON92 (xăng nền để pha chế xăng E5RON92) ngày 7/5/2018 đứng mức 81,89 USD/thùng, là mức cao nhất trong vài năm trở lại đây.
Giá đường giảm mạnh
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT so với cùng kỳ năm trước thì giá đường năm nay giảm mạnh khoảng 5.000 - 5.500đ/kg.
Toàn bộ các nhà máy mía ép được hơn 11,7 triệu tấn mía, sản xuất được trên 1,1 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng hơn 1,1 triệu tấn, lượng đường tăng 146.389 tấn.
Giá đường giảm mạnh.
Lượng đường tồn tại kho các nhà máy đến ngày 15/4 là 680.969 tấn (Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại), cao hơn cùng kỳ năm trước 37.292 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/3-15/4 là 219.424 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 70.817 tấn.
Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc giao động từ 11.000 - 12.000đ/kg, miền Trung Tây Nguyên giao động từ 10.500 – 11.000đ/kg, miền Nam giao động từ 11.200 - 11.800đ/kg, so với cùng kỳ năm trước thì giá đường năm nay giảm mạnh, giảm 5.000 - 5.500đ/kg (cùng kỳ năm ngoái giá đường 15.500 - 17.000đ/kg).
Cũng theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, giá mua mía tại ruộng khu vực miền Bắc 850.000 - 1.100.000 đồng/tấn, miền Trung - Tây Nguyên 800.000 - 900.000 đồng/tấn và miền Nam từ 800.000 - 950.000 đồng/tấn (với giá này, so với cùng kỳ năm trước thì giá mía khu vực miền Bắc không giảm, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam bị giảm mạnh từ 150.000 - 200.000đồng/tấn).
Lý giải về nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao, ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như: diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng kém.
Giá thịt heo tăng mạnh
Theo khảo sát, giá thịt lợn bán tại các chợ tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Cụ thể, bắp giò, ba chỉ, sấn có giá bán 90.000 - 100.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với trước. Thịt nạc thăn, nạc vai, sườn có giá bán 110.000 - 120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg tùy theo chợ.
Giá thịt heo tăng mạnh.
Theo các tiểu thương, hiện tại ở các lò mổ, hoặc mua tại nhà lợn đều tăng giá theo ngày, do đó thịt bán tại chợ cũng tăng theo ngày, chưa biết khi nào chững giá.
Nhiều loại cây ăn trái giảm giá
Mặc dù không phải là mùa thuận nhưng hiện nay giá một số loại trái cây ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có giá bán thấp do tình hình tiêu thụ gặp khó khăn.
Điển hình như giá cam sành hiện nay được thương lái vào vườn tìm mua với giá trên dưới 12.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm trước phải trên 20.000 đồng/kg.
Còn đối với xoài cát chu, một loại xoài ngon và được trồng phổ biến ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có giá bán tại vườn chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg. Đây là một trong 5 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... với giá bán rất cao nhưng hàng năm cứ gần tới mùa thu hoạch rộ là giá giảm mạnh và tiêu thụ chậm, gây rất nhiều khó khăn cho nông dân.
Riêng đối với cây sầu riêng vài tháng trước đây do sản lượng khan hiếm nên các thương lái vào tận vườn tìm mua với giá lên đến trên dưới 60.000 đồng/kg để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại giá sầu riêng các loại chỉ dao động ở mức từ 35.000 đồng - 40.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân giá các loại cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh ở thời điểm thu hoạch chính vụ, thậm chí giảm giá trong mùa nghịch là do các địa phương mở rộng diện tích trồng cây ăn trái ồ ạt, không theo quy hoạch làm cho sản lượng dư thừa.
Dưa hấu giảm mạnh còn 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây, nhiều hộ dân trồng dưa hấu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi như ngồi trên lửa do dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua. Rất nhiều nơi nông dân đành bỏ cho dưa hư hỏng ngoài ruộng.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, ngày 7/5, giá dưa hấu (loại hắc mỹ nhân) chỉ 1.500-2.000 đồng/kg. Tại nhiều cánh đồng chuyên canh dưa hấu như các xã Bình Thanh Tây, Bình Chương, Bình Trị (huyện Bình Sơn), dọc bãi bồi sông Trà Khúc (TP Quảng Ngãi)… có đến hàng trăm điểm tập kết dưa hấu, chờ thương lái tới thu mua.
Theo một số người dân, sở dĩ giá dưa xuống thấp là do thương lái Trung Quốc dừng thu mua. Trước đợt nghỉ lễ 30/4, thương lái thu mua dưa hấu tại ruộng đến 6.500 đồng/kg, sau đó xuống 4.000 đồng/kg. Sau kỳ nghỉ, thương lái lấy cớ Trung Quốc không nhập dưa nữa nên giá dưa mua tại ruộng chỉ còn 1.200 đồng/kg đối với loại lớn, mỗi trái từ 5-6 kg trở lên.
Thông tin từ Phòng NNPTNT huyện Bỉnh Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết theo số liệu thống kê sơ bộ ngày 6/5, các xã trên địa bàn huyện Bình Sơn, có khoảng 56ha diện tích dưa hấu đang thu hoạch, giá bán dưa hấu rất thấp từ 1.000-2.000 đồng/kg, với trọng lượng trái từ 2-2,5kg/quả, một số nơi không tiêu thụ được.
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, cho biết huyện đang kêu gọi các tổ chức thiện nguyện tại Hà Nội, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ tiêu thụ dưa hấu giúp bà con nông dân.