Bản tin tiêu dùng trong tuần qua: Giá vàng, giá dứa, giá dừa giảm mạnh. Trong khi giá rau, củ, quả đồng loạt tăng.
Giá vàng giảm mạnh
Đầu tuần khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ với các đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh các nước phát triển G7 thì giá vàng đã bật tăng lên chạm mốc 1.300 USD/oz. Sau 3 phiên giao dịch quanh ngưỡng này giá vàng lao dốc vào phiên hôm nay.
Giá vàng giảm mạnh.
Nguyên nhân giá vàng thế giới lao dốc được các chuyên gia nhận định: Do Trump áp đặt thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Đáp trả việc này Bắc Kinh áp mức thuế 25% đối với 659 sản phẩm nhập khẩu của Mỹ, trước mắt là 34 tỷ USD áp thuế lên các sản phẩm nông nghiệp, ô tô hàng thủy sản bắt đầu từ 6/7 tới. Bắc Kinh sẽ tính toán áp thuế lên các mạnh hàng khác sau đó.
Lần này không những không lên tiếp đáp trả lại Trung Quốc và ông Trump lại đồng ý với Bắc Kinh. Theo giới phân tích, điều này đang làm dấy lên lo ngại “nóng” căng thẳng thương mại leo thang không chỉ ở 2 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới này mà còn kéo theo những leo thang căng thẳng giữa Mỹ với các đối tác châu Âu, Bắc Mỹ.
Nếu đúng theo thông thường, khi căng thẳng chính trị, kinh tế leo thang thì vàng sẽ đi lên. Nhưng vàng lại lao dốc, bởi lẽ những căng thẳng đã làm đồng USD giảm giá rẻ đi so với các đồng tiền trong giỏ thanh toán quốc tế, kéo theo giá vàng giảm.
Tính chung cả tuần giá vàng thế giới mất hơn 21 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Tuần qua giá vàng trong nước có 3 phiên đi ngược chiều thế giới. Trong khi vàng thế giới lên 1.300 USD/oz thì vàng trong nước lại có 2 phiên ngược chiều đi xuống. Và có 1 phiên tăng giá khi vàng thế giới giảm.
Mặc dù giá vàng thế giới đầu tuần điều chỉnh trong biên độ hẹp thì vàng trong nước vẫn có nhiều phiên tăng - giảm bước giá khá dài lên đến 70.000 – 100.000 đồng/lượng.
Tính chung cả tuần vàng miếng SJC chỉ giảm có 20.000 đồng trên thị trường tự do cũng như DN.
Trong khi đó vàng nhẫn đều giảm từ 200.000 – 250.000 đồng/lượng so với đầu tuần.
Dứa "rớt" giá thê thảm
Thời gian gần đây, người dân trồng dứa ở nhiều địa phương trên khắp cả nước đang lâm vào cảnh khó khăn vì giá dứa xuống thấp kỷ lục, không có thương lái thu mua, nhiều người dân đành phải chấp nhận để dứa chín thối ngoài đồng.
Dứa "rớt" giá thê thảm.
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Huê Vận 2, xã Bảo Sơn (tỉnh Bắc Giang) cho biết: "Gia đình tôi hiện có hơn 1ha dứa cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 70 tấn. Đầu mùa bán với giá từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, sau đó giảm dần, khoảng hơn 10 ngày trở lại đây giá giảm xuống chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/kg, có loại chỉ bán 1.000 đồng/kg".
Giá dứa tại nhiều địa phương xuống thấp và người dân gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ là do thị trường đầu ra chưa ổn định trong khi sản lượng, diện tích vẫn giữ ổn định như các năm trước. Hiện giá cả thị trường hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và nhu cầu của thị trường bán lẻ. Cùng với đó, người dân trồng chủ yếu là giống dứa Queen, giống dứa này chỉ để tiêu thụ tươi sống nên lượng tiêu thụ cũng có hạn.
Giá dừa Bến Tre giảm sâu
Những ngày gần đây, giá dừa khô tại Bến Tre giảm sâu, chỉ khoảng 22.000 đồng/chục (12 trái), nếu trừ công thu hoạch thì nông dân chỉ còn 17.000 đồng/chục, trong khi cùng thời điểm này của năm 2017 giá bán trung bình 140.000 đồng/chục.
Giá dừa khô Bến Tre giảm sâu.
Theo thống kê của Hiệp hội Dừa Bến Tre, Việt Nam có 150.000ha dừa, trong đó tỉnh Bến Tre chiếm gần 50% diện tích với khoảng 71.000ha.
Với diện tích “khiêm tốn” này, năng suất dừa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% năng suất dừa thế giới. Do vậy, chúng ta rất khó tác động vào giá, mà chủ yếu lệ thuộc vào giá dừa trái và giá bán các sản phẩm từ dừa trên thị trường thế giới.
Đại diện Hiệp hội Dừa Bến Tre giải thích thêm, giá dừa có xu hướng không ổn định, theo diễn biến giảm từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, vì đây là mùa ăn chay của các nước Hồi giáo. Trong khi đó, nguồn cung nguyên liệu dừa trái lại dồi dào, do đang vào mùa thu hoạch chính của các nước có "nền kinh tế dừa" hùng mạnh như Philippines, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ.
Bên cạnh đó, khoảng 1 tháng nay các tàu Trung Quốc đã rút khỏi các sông trên địa bàn tỉnh - nơi thương lái thường neo đậu xà lan để thu mua trong khi dừa đang vào vụ thu hoạch rộ. Ngoài ra, hiện tượng "dừa treo" (thời điểm cây dừa giảm năng suất, cho ít trái) xảy ra đối với nhóm dừa cao từ tháng 9 - 10, còn đối với nhóm dừa lùn (dừa uống nước) thường xảy ra trong khoảng tháng 3 - 4. Thế nhưng, dừa ở Việt Nam trong những tháng gần đây vẫn cho ra nhiều trái bởi được chăm sóc hợp lý.
Giá rau, củ, quả tiếp tục tăng
Những ngày gần đây, nhiều quầy bán rau ở chợ Thủ Dầu Một (TP.Thủ Dầu Một) đồng loạt báo giá mới cao hơn so với tuần trước. Chị Bé, chủ quầy rau tại chợ Thủ Dầu Một, cho biết giá rau đang có xu hướng tăng, tăng 1.000-2.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, cải ngọt, bẹ xanh giá tăng lên thêm 2.000 đồng/kg, ở mức 22.000 đồng/kg; cà chua hiện giá bán 23.000 đồng/kg, bí xanh 14.000 đồng/kg, dưa leo 25.000 đồng/kg, tăng 1.000-2.000 đồng/kg; các loại rau khác như mồng tơi, rau dền, rau muống tăng thêm 1.000 đồng/bó. Đặc biệt, rau xà lách giá tăng khá mạnh, lên mức 10.000 đồng/kg...
Giá rau, củ, quả tiếp tục tăng.
Chị Minh, bán rau ở chợ Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một), cho hay hầu hết các loại rau, củ, quả tăng giá từ hơn 10 ngày nay, chỉ có dưa leo, bí, bầu giá giảm chút ít. Cụ thể, cải bắp loại tròn hiện giá bán 14.000 đồng/kg, tần ô 22.000 đồng/kg, đậu cove 23.000 đồng/kg, cà rốt Đà Lạt 25.000 đồng/kg…
Tại khu vực chợ Bình Điền, TP Hồ Chí Minh mặt hàng rau củ hôm nay cũng nhích nhẹ, các sản phẩm dao động từ 6.000 - 75.000 đồng/kg (tăng khoảng 1.000 đồng) mặt hàng củ cải trắng Đà Lạt trong tuần được tiểu thương bán ra ở mức 5.000 đồng, hôm nay đã tăng thêm 1.000 đồng. Khoai tây đà lạt 18.000 đồng/kg, (tăng 1.000 đồng). Khổ qua và dưa leo trong 2 ngày trước ở mức giá 12.000 đồng/kg thì hôm nay đã 13.000 - 14.000 đồng/kg. Giá cao nhất tại chợ này về mặt hàng rau củ là nấm Trung Quốc 75.000 đồng/kg.