Thời gian gần đây, giá mặt hàng rau củ quả như khoai tây, bắp sú, cà rốt, su hào, hành tây... tại các vựa rau ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bỗng nhiên 'rớt giá' thê thảm từ 20%-30%, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo đó, tại nhiều nhà vườn ở vùng rau Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, rau chất đống trên đường, không một ai đến mua, rau nằm trên ruộng không ai đến thu hoạch sau khi các vựa thu mua liên tục hạ giá, thậm chí ngưng mua rau của dân.
Nông dân Đà Lạt "khóc ròng" vì rau củ rớt giá thê thảm.
Từ trước đến nay, Đà Lạt (Lâm Đồng) là vùng sản xuất rau lớn nhất Việt Nam với sản lượng khoảng 2 triệu tấn rau, củ, quả mỗi năm. Chất lượng đã cao lại tươi ngon nổi tiếng nên nông sản Đà Lạt được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng dẫu giá bán thường cao gấp 3- 4 lần so với nông sản cùng loại nhập từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực xây dựng thương hiệu, làm trong sạch nông sản Đà Lạt của chính quyền và người nông dân thì nhiều tiểu thương nhập nông sản Trung Quốc với số lượng lớn về địa phương, sau đó tráo đổi nhãn mác, đóng sản phẩm vào bao bì mới xuất bán đi nhiều nơi, trong đó có cả thị trường nước ngoài.
Theo các vựa rau, sở dĩ nhập rau Trung Quốc là bởi ngay khi chuyển về đây, rau Trung Quốc vẫn rẻ hơn nhiều so với rau Đà Lạt, mà rẻ như vậy mới dễ bán, dễ có lãi.
Ông Nguyễn Đức Bình (Chủ tịch Hội nông dân xã Xuân Thọ, Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết: “Nhà buôn họ nhập khoai tây Trung Quốc về, họ nhờ vào cái đắt đỏ của hàng Xuân Thọ để họ bán ra, lợi nhuận cao hơn. Chính vì thế, nó phá giá khoai tây Xuân Thọ đồng thời ảnh hưởng lớn đến thương hiệu khoai tây Đà Lạt”.
Với ưu thế về chất lượng, khoai tây Đà Lạt giá cao gấp 3 lần khoai tây Trung Quốc. Chính bởi sự nhập nhằng này, người tiêu dùng đã bị móc túi đến 2/3 giá tiền bỏ ra để mua khoai tây.
Còn về phía các nhà vườn Đà Lạt, một khi sang Trung Quốc nhập ồ ạt vào vùng rau Đà Lạt mà thiếu sự minh bạch về nguồn gốc, chất lượng thì ngay lập tức rau Đà Lạt bị dồn ứ, ép giá bởi vì ảnh hưởng thương hiệu.
Theo ông Trần Thanh Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đơn Dương, phần lớn các mặt hàng nhập từ Trung Quốc được sơ chế lại sau đó đem đi tiêu thụ một số địa bàn khác.
“Cái khó là họ có giấy tờ hợp pháp, vẫn thừa nhận là hàng Trung Quốc, và chúng tôi chỉ kiểm tra được khi còn ở trên địa bàn. Lúc vận chuyển tới nơi tiêu thụ, họ giới thiệu là xuất xứ từ đâu thì chúng tôi không thể kiểm soát được”, ông Vũ cho biết.
Trước sức ép nhập khẩu rau Trung Quốc, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ thương hiệu, thành quả của người nông dân và quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay đã có một số đơn vị tạo thành chuỗi liên kết sản xuất an toàn bảo vệ thương hiệu Đà Lạt nhưng còn rất ít. Trong thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo người dân sản xuất theo chuỗi liên kết để bảo vệ được nông sản Việt trước sức ép từ nông sản ngoại nhập.