Khó khăn bủa vây
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho biết: Hiện tại, Hội nước mắm có 54 hội viên với khoảng hơn 7.000 thùng ủ chượp, sản lượng nước mắm hàng năm khoảng từ 20-30 triệu lít. Trong đó, có 10 hội viên xuất khẩu nước mắm và bảy hội viên có tàu khai thác cá cơm.
Tuy nhiên, trong những năm vừa qua tình hình sản xuất kinh doanh của nước mắm Phú Quốc gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Năm 2022, hơn 70% nước mắm dạng nguyên liệu thô không thể tiêu thụ, các tàu đánh bắt cá cơm cũng không ổn định do không bán được cá và giá dầu lại tăng cao.
Năm 2023, tình hình kinh doanh vẫn còn tiếp tục khó khăn, nước mắm không bán được, vốn vay ngân hàng cũng hạn chế hơn nữa lãi suất lại tăng cao, một số hội nhà thùng không thể tái sản xuất và đang trên bờ vực phá sản.
Trước những khó khăn đang gặp phải, Hội nước mắm Phú Quốc đã có những kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang như: tổ chức Lễ hội nước mắm Phú Quốc vào năm 2023 với quy mô cấp tỉnh; Tìm đối tác tiêu thụ nước mắm cho hội viên mang tính chất bền vững; Dựng bảng hiệu quảng cáo nước mắm tại các vị trí tập trung đông người, đặc biệt là khách du lịch đến Phú Quốc nhằm truyền tải thông điệp của một sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Xây dựng một điểm mua bán nước mắm tập trung.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho rằng, có khoảng 90% hội viên bán nước mắm thô là chủ yếu, nước mắm Phú Quốc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của mình. Hội nước mắm Phú Quốc cần chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thông qua các kênh quảng bá khác nhau.
Chưa kể những khó khăn đang còn tồn tại bởi những quy định liên quan đến đến việc sản xuất nước mắm, khiến cho nghề này đã khó nay càng khó hơn.
Cần bài toán dứt khoát
Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội nước măm Phú Quốc cho rằng, cần có cơ chế riêng cho việc xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho nước mắm Phú Quốc. Hàng năm được tổ chức Lễ hội nước mắm với quy mô cấp tỉnh trên địa bàn thành phố vào dịp Lễ 30/4 được xem là nhiệm vụ thường xuyên kế hoạch của tỉnh. Cấp từ 3-5 ha đất sạch để xây dựng khu tập trung bán nước mắm và phục dựng lại làng nghề sản xuất cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm.
Đồng thời, hợp thức hóa các hồ sơ đáp ứng thị trường châu Âu, các cấp lãnh đạo hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các tàu khai thác có thể làm đầy đủ thủ tục cho từng lô hàng đáp ứng được quy định của nhà nước và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu, bà Liên nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hiệp Hội Thực Phẩm Minh Bạch cho biết, để nước mắm Phú Quốc đến được với người tiêu dùng trong và ngoài nước, cần phải có chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu sản phẩm, bằng nhiều kênh khác nhau như: Facebook, Tiktok, Zalo...
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Hồng Minh, ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho rằng, Hội nước mắm phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, liên kết với nhiều doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn để đẩy mạnh hình ảnh đến với khách du lịch.
Ngay cả trên địa bàn TP Phú Quốc tỉ lệ người dân, nhà hàng dùng nước mắm truyền thống Phú Quốc còn hạn chế, Hội nước mắm cần tính toán các phương án kinh doanh để sản phẩm nước mắm len lỏi đến nhiều thị trường, ông Hưng bày tỏ quan điểm.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, UBND TP Phú Quốc nghiên cứu tìm hiểu những phương án tốt nhất để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh nước mắm và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh.