Loay hoay tìm kênh tiêu thụ
Từ năm 2018, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên toàn quốc. Đến nay cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đã được người tiêu dùng đón nhận trở thành một giải pháp phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã thấy rõ, song không phải sản phẩm nào cũng tìm được chỗ đứng trên thị trường, khẳng định giá trị riêng. Câu chuyện của trái bưởi da xanh, đặc sản của vùng đất Châu Thành (Bến Tre) là một ví dụ điển hình, để đạt các tiêu chí gắn sao OCOP, quy trình sản xuất khá công phu và tốn kém. Thế nhưng, dù được gắn sao sản phẩm OCOP nhưng giá bán 1 kg bưởi ngoài thị trường không cao hơn so với lúc chưa được chứng nhận.
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm OCOP tại Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP Ba Vì. Ảnh: Hoài Nam
Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu Nguyễn Ngọc Luận thông tin, mặc dù bộ 5 sản phẩm cà phê nông sản gồm cà phê xoài, khoai môn, bạc hà, trái nhàu và cà phê dừa mang thương hiệu Meet More của đơn vị đã được xếp hạng 4 sao và đã xuất khẩu ra 15 nước trên thế giới, nhưng việc đưa vào siêu thị tiêu thụ không hề dễ dàng. Tình trạng của 2 doanh nghiệp, HTX trên cũng là khó khăn chung trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với nhiều đơn vị đang có sản phẩm được gắn sao OCOP. Một nghịch lý đang tồn tại ở các địa phương là, trong khi HTX, hộ sản xuất, kinh doanh khó tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP thì tại hệ thống siêu thị lại thiếu nguồn hàng. Thực tế cho thấy tại hệ thống siêu thị có đến hơn 90% là hàng Việt Nam, song số sản phẩm OCOP bầy bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này cho thấy sự liên kết giữa hệ thống siêu thị và các kênh bán lẻ với HTX, doanh nghiệp sản xuất chưa chặt chẽ.
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm OCOP tại Festival nông sản Hà Nội do HPA tổ chức tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Hoài Nam
Đẩy mạnh kết nối cung cầu
Phân tích nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP gặp khó khăn, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) Bùi Huy Hoàng chỉ rõ, sản phẩm OCOP thường được sản xuất theo nhỏ lẻ theo mùa vụ nên không đáp ứng được số lượng lớn. Đồng thời không đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc nên khó đáp ứng được quy định các đơn hàng lớn cho doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó mặc dù được đánh giá tốt về chất lượng, song doanh nghiệp sản xuất chưa chú trọng tới xây dựng bao bì, nhãn mác theo yêu cầu nhà bán lẻ nên không nhiệt tình tham gia cung ứng hàng cho các siêu thị.
Để sản phẩm OCOP có được chỗ đứng trên thị trường, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, các chủ thể OCOP cần xác định sản phẩm OCOP phải mang đặc trưng vùng, miền. Đồng thời phải sản xuất với sản lượng ổn định, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm thu hút người tiêu dùng.
“Để tiêu thụ sản phẩm OCOP thì giải pháp cần thiết là thành lập doanh nghiệp làm đầu mối hợp tác với nhà bán lẻ trong tiêu thụ sản phẩm, bởi siêu thị không thể ký hợp đồng với từng hộ sản xuất nhỏ lẻ...” - ông Đức khuyến nghị.
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm OCOP tại Festival nông sản Hà Nội do HPA tổ chức tại huyện Ứng Hòa. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế, muốn mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP cùng với hoạt động xúc tiến thương mại thì các điểm bán, trưng bày sản phẩm OCOP cũng rất quan trọng. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các quận, huyện liên tục mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đến thời điểm này, TP Hà Nội đã có hơn 85 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 30 quận, huyện, thị xã. Qua đó hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô.
Thực tế cho thấy, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ trở thành một kênh mua sắm, quảng bá sản phẩm OCOP. Là một trong những đơn vị triển khai ''Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội”, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Ánh Dương thông tin, thời gian qua, HPA phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) triển khai chương trình hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo… qua đó từng bước hoàn thiện khâu tiêu thụ sản phẩm.
Người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm OCOP tại Festival nông sản Hà Nội do HPA tổ chức tại huyện Đông Anh. Ảnh: Hoài Nam
Dưới góc độ DN bán lẻ, Phó chủ tịch Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Retail tại Việt Nam Paul Lê cho biết, hiện trên các kệ hàng của siêu thị Big C Thăng Long đang có 50 sản phẩm OCOP đến từ các địa phương. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị cần quan tâm đến việc hàng vào siêu thị có bán và tiếp cận được với thị hiếu của khách hàng hay không. Muốn là được điều này chính doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP cần tăng cường tuyên truyền cho sản phẩm tới người tiêu dùng.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất tiêu thụ sản phẩm OCOP, UBND TP Hà Nội đã có Kế hoạch số 312/KH-UBND về Phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP năm 2023. Theo đó, TP Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn, xây dựng 5 trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch tại các huyện Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây.
Như vậy để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng vấn đề quan trọng là các chủ thể OCOP cần chủ động tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh kết nối theo chuỗi, ứng dụng công nghệ để rút ngắn thời gian, khoảng cách địa lý giữa người sản xuất và tiêu dùng.