Để cung cấp thông tin về việc bảo đảm nguồn cung hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và những vấn đề người tiêu dùng quan tâm, sáng 13/12, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức Toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025”.
Đại biểu sở ngành, doanh nghiệp tham gia Toạ đàm sáng 13/12
Không lo thiếu hàng hoá
Chia sẻ tại toạ đàm, bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), cho biết trong 3 tháng dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đơn vị dự báo sức mua của người tiêu dùng sẽ tăng 30%. Ngay từ tháng 6/2024, Hapro đã làm việc với các nhà cung cấp nông sản, thực phẩm uy tín để xây dựng kế hoạch bảo đảm cung ứng hàng hoá cho dịp Tết.
Ngoài 10 mặt hàng thiết yếu, Hapro sẽ cung cấp cho thị trường một số mặt hàng thế mạnh, các sản phẩm đã nhiều năm được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn, yêu thích. Trong số này có gạo ST25, các loại hạt đóng lọ, thực phẩm chế biến như giò, chả…
Cũng theo bà Đỗ Tuệ Tâm, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Hapro sẽ tổ chức nhiều chương trình bán hàng ưu đãi, khuyến mại hấp dẫn dành cho khách hàng. “Với Hapro, chúng tôi có quy chuẩn nhất định đối với chất lượng và thời hạn sử dụng (date) của sản phẩm. Cam kết không có hiện tượng đưa hàng cận “date” vào chương trình khuyến mại…” - bà Đỗ Tuệ Tâm chia sẻ thêm.
Là doanh nghiệp thuần Việt, do người Việt sáng lập và quản lý, hệ thống Siêu thị Saigon Co.op Mart cũng là địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng Thủ đô. Hiện, hệ thống Saigon Co.op Mart đã có gần 1.000 điểm bán trên 43 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm cả Hà Nội.
Các hệ thống phân phối, bán lẻ đã chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dồi dào phục vụ người tiêu dùng Thủ đô
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Saigon Co.op Mart Hà Đông, cho biết Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Đến Co.op chở Tết về”; theo đó, người tiêu dùng có thể tặng quà cho người thân từ Hà Nội đến khắp các địa phương của cả nước và ngược lại.
Cũng theo đại diện Saigon Co.op Mart Hà Đông, hiện nay đơn vị đã hoàn thành đàm phán với các nhà cung cấp. Dự kiến khối lượng hàng hoá dự trữ sẽ đạt trên 12.000 tấn hàng với 3.500 mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
“Người tiêu dùng cũng hoàn toàn yên tâm, Siêu thị có quy chuẩn, chỉ cần đến 20% hạn sử dụng là đã được thông báo và thu hồi. Do đó sẽ không có chuyện hàng cận “date” đến tay người tiêu dùng…” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nhấn mạnh.
Chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết Sở đã tham mưu TP ban hành kế hoạch bảo đảm thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu từ sớm. Đối với kế hoạch bình ổn thị trường, Sở Công Thương đã mời gọi 22 doanh nghiệp tham gia, tổ chức khoảng 10.600 điểm giới thiệu và bán sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Đại diện Sở Công Thương cho biết thêm, căn cứ dự báo nhu cầu tăng cao những tháng cuối năm và dịp Tết, Sở đã tính toán khoảng 10 mặt hàng thiết yếu bảo đảm phục vụ người dân. Một số nhóm hàng chính, có nhu cầu tiêu thụ lớn như gạo 95.000 tấn, thịt lợn 20.000 tấn, thịt gia cầm 7.000 tấn… Người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về nguồn cung hàng hoá trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Để hàng Việt đến với mọi nhà
“Từ những kết quả đạt được trong 15 năm qua, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, để tiêu dùng hàng Việt không chỉ nằm ở khẩu hiệu mà đi vào tiềm thức của mỗi người Việt…” - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn. |
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, qua 15 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã cho thấy sức lan toả. Đến nay người dân đã có ý thức, tiêu dùng hàng Việt đã trở thành thói quen.
“Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là tuyên truyền. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đổi mới thông tin để nâng cao nhận thức, thị hiếu tiêu dùng của người dân đối với hàng Việt…” - ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt trong dịp Tết, ông Phạm Anh Tuấn cho biết Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nhằm kết nối cung cầu, đưa thông tin hàng Việt đến người tiêu dùng. Tuyên truyền, vận động để các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
“Hiện nay, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các chương trình bình ổn giá; đưa hàng hoá về nông thôn, vùng xa, khu - cụm công nghiệp; nhất là tổ chức các Phiên chợ hàng Việt…” - ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm.
Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi phát biểu tại Toạ đàm
Ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đưa hàng Việt đến với người dân dịp Tết, Sở chỉ đạo các đơn vị phân phối bán lẻ có biện pháp bố trí các điểm bán hàng lưu động tại các huyện ngoại thành, vùng xa, khu - cụm công nghiệp…
Sở Công Thương Hà Nội cũng đang tích cực phối hợp các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền để người dân biết, nhận thức rõ và có tinh thần mua sắm văn minh, an toàn. Đồng thời giúp các doanh nghiệp có chủ động về bảo đảm nguồn cung…
Để đạt được mục tiêu đưa hàng Việt đến với mọi nhà, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho rằng, cần sự chung tay của tất cả các bên. Đối với các doanh nghiệp, cần không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, xây dựng thương hiệu mạnh.
Đối với người tiêu dung, cần ưu tiên lựa chọn hàng Việt, đồng thời trở thành những người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm dựa trên chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Liên quan đến kiểm soát chất lượng hàng hoá dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch về thanh tra, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ chất lượng hàng hoá, chống vi phạm về hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm các mặt hàng phục vụ người dân. |