Giá nông sản ngày 15/11: Cà phê cao nhất 41.300 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.400 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.300 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.200 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.200 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.100 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 46.200 đồng/kg, 41.100 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.200 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.300 - 41.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê tiếp tục biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2022 được ghi nhận tại mức 2.277 USD/tấn sau khi giảm 0,65% (tương đương 15 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 12/2021 tại New York đạt mức 219,7 US cent/pound, tăng 4,17% (tương đương 8,8 US cent).
Trong báo cáo mới nhất của mình, Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, giá cà phê toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù điều kiện thời tiết ở Brazil đã được cải thiện.
Trong tháng 10, giá cà phê arabica đã đạt mức cao mới trong nhiều năm qua và giá Chỉ báo tổng hợp của ICO đã tăng 6,8% so với tháng 9. ICO cho biết, các mức giá này trong niên vụ cà phê 2020-2021 đánh dấu sự phục hồi đáng kể từ mức thấp đã trải qua trong ba niên vụ trước đó.
Tuy nhiên, ông BS Jayaram, một người trồng cà phê arabica ở Chikkamagaluru (bang Karnataka, Ấn Độ), chia sẻ: “Đúng là giá cả đang tăng cao, nhưng trên thực tế, chúng tôi không biết cây trồng mang lại lợi ích gì cho người dân tại đây”.
Ông cho biết, những trận mưa dư thừa đã khiến những hạt cà phê chín bị tách ra và rơi xuống đất. Ngoài ra, người trồng còn phải đối mặt với vấn đề làm khô sản phẩm thu hoạch trong điều kiện thời tiết bất thường, dẫn đến mối lo ngại về chất lượng cà phê.
Ông HT Mohankumar, Chủ tịch Liên đoàn Những người trồng trọt Karnataka, nhận định, biến đổi khí hậu đã trở thành một thách thức lớn đối với việc phát triển cây trồng ở địa phương.
Ông cho biết, việc cà phê chín không đều do thời tiết khắc nghiệt đã dẫn đến chi phí nhân công cao hơn. Do đó, chính phủ cần xem xét việc cung cấp các khoản trợ cấp để giúp những người trồng trọt nhỏ - chiếm đến 98%, thiết lập máy sấy năng lượng mặt trời.
Ảnh minh họa. Ảnh: Trình Nhị
Giá nông sản ngày 15/11: Nguồn cung khan hiếm sẽ thúc đẩy giá tiêu tăng
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, Đồng Nai giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 83.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đang ở mức 82.500 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 85.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay ở mức 84.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 82.500 - 85.000 đồng/kg.
Các cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia nhận định, lượng hồ tiêu vụ 2020 - 2021 đã được bán hết. Vậy nên, hiện nguồn cung cho xuất khẩu cuối năm là khan hiếm sẽ thúc đẩy giá tiêu tăng.
Theo ước tính của IPC, sản lượng hạt tiêu toàn cầu đạt 574.000 tấn trong năm 2021, giảm 3% so với năm trước. Trong đó sản lượng của Việt Nam giảm 8%, và dự kiến tiếp tục giảm trong năm tới do thời tiết bất lợi khiến năng suất thấp.
Báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, nhu cầu nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm. Điều này sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung nội địa gần như đã cạn kiệt, và nhiều khả năng lượng hàng đầu cơ từ những năm trước sẽ được bán ra.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt xấp xỉ 41 triệu USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc từ Việt Nam trong thời gian này tăng 10,9%, đạt 12,52 triệu USD.
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 25,66% trong 9 tháng đầu năm 2020 lên 30,54% trong 9 tháng đầu năm 2021.