Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình giá heo hơi được thu mua với mức 50.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại như Yên Bái, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi đạt mức 48.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 20/3/2023: Nguy cơ khủng hoảng thiếu, giá heo tăng đột biến? Ảnh: Thế Hiển
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa giá heo hơi ở mức 50.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh giá heo hơi đang ở mức thấp nhất cả nước 47.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 47.000 - 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Tương tự 2 miền trên, giá heo hơi tại miền Nam cũng đi ngang so với hôm qua. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu giá heo hơi đạt mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Trà Vinh giá heo hơi được thu mua với mức 48.000 - 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 49.000 - 52.000 đồng/kg.
Nguy cơ khủng hoảng thiếu, giá heo tăng đột biến?
Chuyên gia kinh tế PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, giá heo hơi xuống thấp như hiện nay là do quy luật cung cầu. Người lao động mất việc làm, giảm thu nhập nên đã cắt giảm chi tiêu bằng việc chuyển sang các loại thực phẩm khác thay thế với giá rẻ hơn.
Cũng theo ông Long nhẩm tính, với giá heo hơi xuống thấp như hiện nay thì mỗi con heo khoảng 140kg người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ thua lỗ 500.000 - 700.000 đồng. Điều đáng nói, giá heo hơi thấp, nhưng giá thịt heo tại các siêu thị và chợ dân sinh vẫn cao, trung bình từ 90.000 - 205.000 đồng/kg tuỳ loại. Nguyên nhân muôn thuở vẫn là thịt heo phải qua quá nhiều khâu trung gian nên bị đẩy giá.
Trước việc giá heo hơi xuống thấp, người nông dân không mặn mà tái đàn, các chuyên gia cảnh báo nguy cơ khủng hoảng thiếu và giá heo hơi sẽ tăng đột biết từ khoảng tháng 8 đến hết năm 2023 là điều rất dễ xảy ra.
Chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, vì thua lỗ kéo dài dẫn đến cụt vốn, người chăn nuôi sẽ không tái đàn. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thiếu heo hơi trong thời gian từ tháng 8 đến cuối năm, kéo theo giá heo hơi tăng đột biến là điều khó tránh khỏi. Do vậy các cơ quan chức năng như ngành Nông nghiệp, ngành Công Thương và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Để ổn định thị trường, ông Long cho rằng, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để kích cầu tiêu dùng, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng để người chăn nuôi tái đàn.
Về phía người chăn nuôi cần phải đầu tư trang trại quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, đồng thời kết nối các chuỗi chăn nuôi từ trang trại đến bàn ăn.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định không có người dân, doanh nghiệp nào biết sản xuất thua lỗ kéo dài mà vẫn làm. Do vậy, việc người chăn nuôi sẽ không tái đàn hoặc hạn chế tái đàn là điều tất yếu.
“Nếu người chăn nuôi không tái đàn thì trong vài tháng tới, nguồn cung thịt heo trong nước chắc chắn sẽ giảm, nguy cơ dẫn đến khủng hoảng thiếu thịt heo là điều rất dễ xảy ra. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến giá heo hơi có nguy cơ sẽ tăng đột biến. Khi đó thì chúng ta chỉ còn cách nhập khẩu thịt heo từ Trung Quốc hoặc thịt heo đông lạnh từ Nga hoặc Ấn Độ và sẽ phục thuộc hoàn toàn vào những thị trường này”, ông Doanh cảnh báo.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng: “Việc người chăn nuôi không tái đàn thì giá đắt lên là điều tất yếu, đó là quy luật cung cầu, thiếu thì giá tăng, thừa thì giá rẻ. Do vậy, để hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa cũng như khủng hoảng thiếu thì các bộ, ngành, doanh nghiệp, siêu thị phải cùng bàn cách hỗ trợ người chăn nuôi. Giải pháp là phải tăng sức mua, kéo giảm giá thịt bán lẻ tại các siêu thị, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn, giảm thuế nhập khẩu các sản phẩm chế biến thức ăn gia súc. Phải chia sẻ với cộng động để các khâu trung gian hạn chế "ăn dày" thì mới có thể tháo gỡ được”.