Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thời gian gần đây giá nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ chăn nuôi heo đang chiều hướng tăng cao. Trong khi đó, sức mua heo thịt trên thị trường lại giảm mạnh, khiến người chăn nuôi và cả doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.
Giá nhập khẩu nguyên liệu chăn nuôi heo tăng cao khiến cho ngành chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung bị lỗ nặng
Từ những ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến sự trên thế giới và tình hình kinh tế suy thoái, dẫn tới ngành chăn nuôi hiện nay đang gánh chịu thiệt hại lớn.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ/ngành liên quan giảm thuế khô đậu tương (một trong những nguyên liệu chính để chế biến thức ăn chăn nuôi) từ 2% xuống 0%.
Được biết trước đó, để hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp (ngô) giảm từ 5% xuống 2% từ đầu năm 2022.
Tuy nhiên, hiện thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên, trong khi đây là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cám cho heo và thủy sản. Vì vậy, việc giữ nguyên mức thuế này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Nuôi heo trong hộ gia đình tại tỉnh Đồng Nai. Hiện nhiều gia đình giảm đàn nuôi nhằm giảm lỗ
Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi của Đông Nam Bộ, nơi cung cấp nguồn cung sản phẩm chăn nuôi chủ lực cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã và đang gặp những khó khăn về giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất bởi chi phí đầu vào cao.
Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi nông hộ gia đình, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp tập đoàn chăn nuôi lớn. Ngành chăn nuôi gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng tăng.
Trước tình hình trên, ngày 9/3/2023, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về thực trạng khó khăn và giải pháp tháo gỡ cho ngành chăn nuôi heo trong thời gian tới.
Theo ông Phùng Đức Tiến, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại từ quý II/2023 và đây là động lực giúp phục hồi sức mua. Trong thời điểm đang còn khó khăn, người chăn nuôi cần giảm đàn, tránh tâm lý giữ đàn đợi giá lên vì rất rủi ro. Đồng thời ngành chăn nuôi cần phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gồm bắp và khoai mì tại Tây Nguyên để giảm phụ thuộc nhập khẩu.