Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, tại Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 49.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi được thu mua với mức 47.000 - 48.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai giá heo hơi ở mức thấp hơn 46.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 46.000 - 49.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ngày 12/3/2023: Giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg. Ảnh: Đỗ Khải
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận giá heo hơi đạt mức 49.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh giá heo được thu mua với mức 47.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 47.000 - 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, Bạc Liêu giá heo hơi được thu mua với mức 52.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh giá heo hơi ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.
Còn tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, Tây Ninh giá heo hơi ở mức thấp 49.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 49.000 - 52.000 đồng/kg.
Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Đồng Nai được xem là thủ phủ chăn nuôi của cả nước với tổng đàn heo khoảng 2,6 triệu con, nơi cung cấp nguồn cung sản phẩm chăn nuôi chủ lực cho thị trường TP Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã phản ánh những khó khăn mà ngành chăn nuôi đang đối mặt như: giá sản phẩm chăn nuôi thấp hơn giá thành sản xuất trong khi chi phí đầu vào cao; chăn nuôi nông hộ, trang trại tư nhân ngày càng yếu thế so với doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi vốn đầu tư nước ngoài; còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất ngân hàng tăng…
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi ở Đồng Nai hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh phức tạp, giá bán xuống thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. Thời điểm hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi đã mất khả năng tái đàn, phải tìm công việc khác để làm.
"Nếu tình trạng này kéo dài, Đồng Nai sẽ mất danh hiệu thủ phủ chăn nuôi trong thời gian tới. Ngoài ra, nguồn cung thực phẩm chăn nuôi sẽ sụt giảm, vấn đề việc làm sẽ bị ảnh hưởng khi đa số người chăn nuôi ở tuổi trung niên khó tìm được công việc mới", ông Đoán chia sẻ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận xét, Đồng Nai là tỉnh có quy mô chăn nuôi rất lớn. Khó khăn của ngành chăn nuôi do nhiều nguyên nhân khiến thị trường tiêu thụ chậm. Tuy nhiên từ cuối tháng 2/2023, tình hình xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đã tăng lên và dự báo trong quý II/2023 sẽ có bước tăng trưởng nhanh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi phải liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng phải thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường... Ngành chăn nuôi cũng phải quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.