Facebook lại một lần nữa bị cáo buộc “nhòm ngó” người dùng Instagram và lần này thông qua việc sử dụng camera trên thiết bị di động của họ ngay cả khi chưa được cho phép, theo Bloomberg.
Facebook phủ nhận cáo buộc này và cho rằng đó là một lỗi phần mềm. Facebook cho biết lỗi này đã khiến điện thoại thông báo sai cho người dùng rằng Instagram đang truy cập camera trên iPhone. Facebook đồng thời khẳng định đang khắc phục lỗi nói trên.
Trong một hồ sơ pháp lý đệ trình lên toà án liên bang San Francisco, người dùng Instagram ở New Jersey có tên Brittany Conditi cáo buộc rằng việc sử dụng camera của Instagram là cố ý, có chủ đích và được dùng cho mục đích thu thập các dữ liệu quý giá về người dùng mà đang ra Facebook cũng như Instagram không thể có được.
Bằng việc “lấy các dữ liệu cá nhân và riêng tư nhất của người dùng, bao gồm cả các thông tin riêng tư về căn nhà của họ”, Facebook và Instagram có thể có thêm những hiểu biết quý báu về người dùng cũng như các nghiên cứu về thị trường, hồ sơ pháp lý nêu rõ. Về phần mình, Facebook từ chối đưa ra bình luận thêm về vấn đề này.
Trong một đơn kiện hồi tháng trước, Facebook bị cáo buộc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thu thập trái phép dữ liệu sinh trắc học của hơn 100 triệu người dùng Instagram. Facebook bác bỏ những cáo buộc này và nói rằng Instagram ngay từ đầu đã không sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Thời gian gần đây, Facebook liên tiếp dính các bê bối liên quan đến xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Không chỉ sử dụng dữ liệu người dùng để tăng cường hiệu quả cho quảng cáo, Facebook còn bán dữ liệu người dùng cho những công ty khác.
Bê bối nổi tiếng nhất của Facebook là việc chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng với công ty nghiên cứu Cambridge Analytica của Anh. Người ta cho rằng nó gây tác động đáng kể lên cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Bê bối này liên quan tới dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook ở Mỹ, được Cambridge Analytica thu thập từ năm 2014. Mọi người, bao gồm cả các chính trị gia, đều có thể mua những dữ liệu này nếu họ trả tiền. Người bán không quan tâm với khách hàng của họ là ai, mua phục vụ mục đích gì.
Vụ bê bối Cambridge Analytica gây chấn động cả thế giới và đóng vai trò quan trọng trong việc châm ngòi các cuộc tranh luận công khai về tiêu chuẩn đạo đức cho những công ty như Facebook. Bên cạnh đó, tin giả hay những thông tin sai lệch cũng khiến các mạng xã hội, trong đó nổi bật nhất là Facebook, bị chỉ trích và tẩy chay.
Khi quảng cáo là nguồn thu chính chủa Facebook, việc mạng xã hội này sử dụng dữ liệu người dùng là điều gần như không bao giờ thay đổi. Thậm chí, người ta còn cho rằng Facebook nghe lén người dùng. Giờ đây, các đơn kiện được đệ trình lên tòa án với cáo buộc quay lén những người sử dụng Instagram tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư với mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Từ vài tháng trước, hàng loạt các thương hiệu hàng đầu thế giới đã đồng loạt tẩy chay quảng cáo trên Facebook khi mạng xã hội này thể hiện sự yếu kém trong kiểm duyệt chất lượng thông tin, ngôn từ kích động thù địch và sự phát tán tin giả. Chưa có dấu hiệu cho thấy làn sóng này sắp kết thúc.