Đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết, nhà máy sản xuất Quinvaxem ở Hàn Quốc ngưng sản xuất vắc xin này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất thay thế vắc xin của Ấn Độ. Hiện vắc xin này chưa được nhập về Việt Nam. Bộ Y tế Việt Nam đang cân nhắc phương án thay thế tốt nhất.
Nhà máy ở Hàn Quốc ngưng sản xuất vắc xin Quinvaxem
Theo WHO, vắc xin của Ấn Độ đã được sử dụng tại hơn 40 quốc gia trên thế giới với trên 400 triệu liều và đạt tỷ lệ an toàn theo tiêu chuẩn của WHO.
Loại vắc xin này cũng có thành phần, chất lượng tương tự vắc xin Quinvaxem và đã được WHO tiền thẩm định.
Nếu Việt Nam đồng ý, vắc xin mới sẽ được thí điểm tại 4 số tỉnh : Hà Nam, Đồng Tháp, Bình Định, Kon Tum trước khi tiêm chủng rộng rãi.
Từ tháng 6/2010, vắc xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam theo diện viện trợ. Loại vắc xin này ngừa cùng lúc 5 loại bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib cho trẻ em.
Năm 2013, văcxin Quinvaxem bị tạm dừng sử dụng để đánh giá lại do có 43 em bé bị phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả đánh giá độc lập của WHO sau đó cho thấy, trong số các bé bị phản ứng có 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng, 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm văcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng văcxin. Khi đó cả chuyên gia Việt Nam, phòng xét nghiệm độc lập trên thế giới đều không tìm thấy những bất thường của văcxin Quinvaxem. Đến tháng 11/2015, văcxin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay.
Trong năm 2017, cả nước ghi nhận 27 ca tai biến nặng sau tiêm chủng, trong đó 14 trường hợp không rõ nguyên nhân, 4 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh khác; 9 trường hợp còn lại liên quan đến phản ứng của vắc xin (bao gồm phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ...).