Trường hợp của cháu T.T.H (SN 2016, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem (5 trong 1) do bị sốc phản vệ, đã bị tử vong và đây không phải là trường hợp duy nhất bị tử vong do sốc phản vệ sau khi tiêm vắc-xin.
Theo TTND.PGS.TS Đinh Kim Xuyến - Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về sức khỏe cộng đồng, vắc-xin cũng như các thuốc dùng trong điều trị đều có thể gây những phản ứng không mong muốn.
Đối với trường hợp là trẻ nhỏ tiêm chủng, sau khi được theo dõi tại nơi tiêm thì khi về nhà, gia đình cũng cần phải chú ý tới trẻ để phát hiện sớm biểu hiện sốc phản vệ sau tiêm.
Vắc-xin cũng có những tác dụng không mong muốn và những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm chủng như: Phản ứng tại chỗ (thường nhẹ và hết nhanh); phản ứng toàn thân (hầu hết khỏi, tỉ lệ nhỏ có thể để lại di chứng nhẹ, đôi lúc có những di chứng nặng có thể dẫn tới tử vong); tiêm vắc-xin, sinh phẩm rồi mà vẫn bị mắc bệnh (do vắc-xin, do kỹ thuật tiêm/phác đồ, do bảo quản, do cơ địa không đáp ứng...).
Câu hỏi nhiều người băn khoăn và đặt ra là, làm thế nào để nhận biết khi có các triệu chứng sốc phản vệ và cách xử trí kịp thời khi có phản ứng?
TS Xuyến cho rằng, sau khi tiêm, cần theo dõi sức khỏe người được tiêm chủng tối thiểu 30 phút tại cơ sở tiêm chủng. Sau đó, hướng dẫn chăm sóc tại nhà 24 giờ theo quy định (tốt nhất là phát cho đối tượng tiêm/người nhà bản nội dung hướng dẫn theo dõi sau tiêm chủng). Đồng thời, ghi chép phiếu tiêm chủng, sổ tiêm chủng: Ghi đầy đủ ngày tiêm chủng vắc-xin, sinh phẩm vào phiếu tiêm chủng và trả lại phiếu cho đối tượng được tiêm/người nhà; ghi ngày tiêm đối với từng loại vắc-xin, sinh phẩm đã tiêm vào sổ tiêm chủng.
Có nhiều trường hợp người lớn hay trẻ được tiêm có ngay những biểu hiện sốc phản vệ hoặc biểu hiện có thể muộn hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là người lớn sau khi tiêm hoặc người theo dõi trẻ sau tiêm khi thấy có những biểu hiện khác thường như: Bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi,... tiếp đó xuất hiện triệu chứng ở một hoặc nhiều cơ quan; , phù quincke; mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được; khó thở (kiểu hen thanh quản) nghẹt thở; đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê; choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật.
Nếu thấy các biểu hiện trên, lập tức phải ngừng vắc-xin, sinh phẩm đang dùng; cho bệnh nhân ủ ẩm, đầu thấp chân cao, theo dõi huyết áp 10-15 phút/lần (nằm nghiêng, nếu có nôn). Thuốc adrenaline dùng theo phác đồ: Adrenaline dung dịch 1/1.000 tiêm dưới da ngay sau khi có triệu chứng lâm sàng, liều lượng: 1/2 đến 1 ống ở người lớn, không quá 0.3ml ở trẻ em. Hoặc adrenaline 0.01mg/kg cho cả trẻ em lẫn người lớn; tiếp tục tiêm adrenaline liều như trên 10 - 15 phút/lần cho đến khi huyết áp trở lại bình thường. Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốc nặng đe dọa đến tính mạng, phải chuyển cấp cứu ngay đến bệnh viện nơi gần nhất hoặc bệnh viện đã đăng ký thường xuyên.