Sở Y tế TPHCM cho biết, từ ngày 1-10, tất cả bệnh viện công của TPHCM sẽ bắt đầu tự chủ về tài chính. Đây cũng là thời điểm TPHCM điều chỉnh giá dịch vụ y tế có tính thêm tiền lương của nhân viên y tế vào giá viện phí với người không tham gia bảo hiểm y tế.
Trước đó, năm 2016 TPHCM đã có một số cơ sở y tế công lập được giao quyền tự chủ, bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên như Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện quận Bình Thạnh. Còn lại 43 bệnh viện đang tự chủ tài chính một phần sẽ tự chủ hoàn toàn từ 1-10 này.
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho rằng, đây là chủ trương lớn của Chính phủ và lãnh đạo TPHCM, và cũng là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trong thời gian đầu, các khoản chi đầu tư như xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị lớn, các bệnh viện vẫn cần sự hỗ trợ từ thành phố do khả năng của các bệnh viện hầu như chưa thể cáng đáng được.
Nhiều lãnh đạo cho biết, trong thời gian tới, các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu – chi, cũng như sự thay đổi về mặt nhân sự. Mặc dù tự chủ về tài chính nhưng các bệnh viện vẫn phải tuân thủ quy định của nhà nước, và không dễ dàng trong việc sa thải nhân viên làm việc không tốt.
Tuy nhiên, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM lại cho rằng với mô hình tự chủ, các bệnh viện sẽ có điều kiện tuyển chọn được nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, thu nhập của cán bộ viên chức được tăng thêm; có điều kiện hợp tác, liên doanh liên kết với cơ sở y tế tư.