Bác sỹ thăm, khám bệnh nhân tại Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN) |
Trong số những người xin nghỉ việc, thôi việc có những bác sỹ có nhiều năm kinh nghiệm, thậm chí là các trưởng hoặc phó khoa. Hiện tượng này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện công trên địa bàn.
Thống kê của Sở Y tế Đồng Nai cho thấy, năm 2016, Sở đã đồng ý cho 65 bác sỹ xin rút khỏi các bệnh viện công. 6 tháng đầu năm 2017, tiếp tục có 38 bác sỹ làm đơn nghỉ việc, trong đó, có 16 bác sỹ chuyên khoa I, số còn lại là các trưởng hoặc phó khoa.
Ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, bệnh viện đã phải đồng ý ký đơn nghỉ việc cho 80 bác sỹ, trong đó có 4 trưởng khoa, 6 phó khoa còn lại là các bác sỹ sau đại học.
Theo ông Phạm Văn Dũng, hầu hết bác sỹ trẻ muốn trưởng thành đều phải đầu quân làm việc cho các bệnh viện công lập. Vì chỉ có những bệnh viện công mới cấp chứng chỉ hành nghề. Các bệnh viện tư ít gặp các trường hợp bệnh khó, bệnh nặng nên đây không chỉ là môi trường để chữa bệnh mà còn là môi trường để các bác sỹ học tập, rèn luyện về chuyên môn. Tuy nhiên, khi đã vững về mặt chuyên môn các bác sỹ lại muốn bỏ bệnh viện công do thu nhập thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do áp lực công việc và thu nhập. Thời gian qua, mặc dù những chế độ đãi ngộ của tuyến y tế công lập đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Những vấn đề như môi trường làm việc, áp lực công việc, sự quá tải của cơ sở y tế công lập… khiến nhiều bác sỹ từ bỏ làm việc tại các bệnh viện công, tìm đến bệnh viện tư nhân như một giải pháp an toàn lại có lợi hơn.
Ở những bệnh viện công lập, trung bình một bác sỹ trẻ thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, những bác sỹ có trình độ chuyên môn cao có thể đạt mức 15-20 triệu đồng/tháng. Những con số này nếu đem ra so sánh với mức thu nhập khi làm việc tại các bệnh viện tư nhân thì không đáng kể, bởi làm việc cho các bệnh viện tư nhân thu nhập có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng chưa kể môi trường làm việc, áp lực công việc không nhiều như bệnh viện công lập.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bác sỹ sẵn sàng “nộp phạt” vì trước đó được tỉnh cấp kinh phí đào tạo theo chương trình thu hút nguồn nhân lực y tế về phục vụ cho địa phương. Nhiều cơ sở y tế tư nhân không ngại chi tiền nộp phạt cho ngành y tế để lôi kéo bác sỹ về làm việc.
Bác sỹ Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai khẳng định, việc nhiều bác sỹ, trong đó có các bác sỹ có tay nghề cao, nhiều năm kinh nghiệm rời khỏi các bệnh viện công đã ảnh hưởng tới chất lượng của tuyến y tế công lập, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến huyện. Dù vậy, chính sách thu hút nhân lực ngành y tế của Đồng Nai vẫn đang tiếp tục thực hiện và có những hiệu quả nhất định. Từ 2016 đến nay, tỉnh đã có thêm 165 bác sỹ trẻ về làm việc. Quan trọng hơn là các bác sỹ dày dạn kinh nghiệm, chuyên môn cao vẫn mong muốn gắn bó với các bệnh viện công.
Để hạn chế tình trạng trên, hỗ trợ cho cán bộ ngành y tế, Sở Y tế sẽ đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh dành 35% Quỹ cải cách tiền lương của tỉnh để giải quyết lương tăng thêm cho cán bộ công chức viên chức của ngành. Sở đang chỉ đạo các hệ thống bệnh viện của ngành đẩy mạnh thực hiện công tác tự chủ để giải quyết phần nào những khó khăn của cán bộ công chức ngành y tế.