Ngưu bàng tên khác đại đao, ác thực, hắc phong, thử niêm. Tên khoa học: Arctium lappa Linn. Họ cúc: Asterraceae, cây thảo lớn, có thân thẳng, cao 1 - 2m, có khía và phân nhánh. Lá hình trái xoan, mọc thành hình hoa thị ở gốc và mọc so le ở trên thân, phiến lá to, rộng 50cm, gốc lá hình tim, đầu tù hay nhọn, mép có răng cưa hay gợn sóng, có nhiều lông trắng ở mặt dưới.
Trà ngưu bàng rất tốt cho sức khoẻ. Nguồn ảnh: Internet
Bộ phận dùng làm thuốc là quả và rễ. Tên dược liệu là: Ngưu bàng tử là quả chín phơi hay sấy khô; Ngưu bàng căn là rễ thu hái vào mùa thu năm đầu hoặc mùa xuân năm thứ hai, phơi hay sấy khô ở 70oC.
Trong quả chứa 25-30% dầu béo, chất lignan (lappaol A, B, C, D, E, F, chất đắng actiin - glucosid), daucosterol, inulin. Rễ chứa inulin (45-50%), tinh dầu, acid stearic, polyphenol, polyacetylen, phytohormon, xyloglucan ....
Theo Đông y: Ngưu bàng tử có vị cay, đắng, tính hàn, có tác dụng trừ phong nhiệt, thanh nhiệt giải độc, thông phổi, làm mọc ban chẩn, tiêu thũng và sát khuẩn. Những người tỳ vị hư hàn, đi phân lỏng không nên dùng.
Ngưu bàng căn có vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng lợi tiểu (loại acid uric), khử lọc, làm ra mồ hôi, lợi mật nhuận tràng, hạ đường huyết, có tác dụng với một số bệnh ngoài da.
Tác dụng của trà cây ngưu bàng
Ngăn ngừa và điều trị ung thư
Rễ ngưu bàng có chứa chất chống oxy hóa quercetin và luteolin, có đặc tính ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển và đột biến. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy các gốc tự do trong rễ ngưu bàng có thể ngăn chặn một số bệnh ung thư lây lan trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering cảnh báo rằng không có đủ bằng chứng để hỗ trợ việc sử dụng ngưu bàng trong việc điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư.
Làm dịu cơn ho và cảm lạnh
Trà rễ cây ngưu bàng theo truyền thống được sử dụng như một loại thuốc thông mũi và long đờm trị cảm lạnh và ho. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này, nhưng cây ngưu bàng có chứa vitamin C, được chứng minh là có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch. Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng nó có đặc tính kháng khuẩn.
Cải thiện sức khỏe gan
Rễ ngưu bàng đã được sử dụng để giải độc gan và cơ thể trong nhiều thế kỷ. Một nghiên cứu năm 2002 trên chuột cho thấy loại thảo mộc này có thể giúp đảo ngược tổn thương gan do uống quá nhiều rượu.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Trà ngưu bàng cung cấp hàm lượng kali cao, vì vậy giúp điều hòa huyết áp, cân bằng dung dịch trong cơ thể. Trà ngưu bàng cũng có tác dụng giãn mạch, nhờ đó giúp ngăn ngừa các cơn đau tim và đột quỵ do xơ vữa động mạch gây ra, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Hỗ trợ bệnh tiểu đường
Trà ngưu bàng có tác dụng kiểm soát đường huyết rất tốt vì ngưu bàng rất giàu chất xơ, giúp giảm hấp thụ đường vào máu. Chất inulin có trong rễ của cây ngưu bàng là một loại chất xơ lành mạnh và rất hữu ích đối với bệnh nhân tiểu đường vì không làm tăng insulin.
Hỗ trợ tiêu hóa
Uống trà ngưu bàng thường xuyên có thể giúp cải thiện tiêu hóa và tình trạng đầy hơi. Chất xơ inulin prebiotic trong cây ngưu bàng thúc đẩy hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, nhờ đó thức ăn được tiêu hóa tốt hơn, kích thích thèm ăn và tăng cường hấp thụ dinh dưỡng ở ruột tốt hơn. Các hoạt chất trong trà ngưu bàng còn có khả năng tiêu diệt những vi khuẩn gây hại ở hệ tiêu hóa, điều trị chứng rối loạn tiêu hóa.