Những vị trí cần tránh khi cạo gió
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3) cho biết, cạo gió được nhiều đối tượng áp dụng như người mắc bệnh cảm mạo, đau dạ dày, đau đầu, đau cơ, kinh nguyệt không đều, phục hồi sau đột quỵ não,...Những vị trí cạo gió an toàn sẽ là những vị trí có lớp cơ dày, bao gồm:
2 bên cổ, 2 bên vai.
Dọc xương mỏ ác.
2 bên thắt lưng, lan ra mạn sườn.
Mặt ngoài cẳng tay, mặt ngoài chân.
Phương pháp cạo gió khá an toàn, nhưng để đem lại hiệu quả cao nên tránh cạo gió gần ở những vị trí sau:
Mắt, lỗ mũi, lỗ tai, rốn, môi, lưỡi.
Vùng thắt lưng, vùng bụng của phụ nữ mang thai.
Đầu vú nữ giới.
Cẩn thận tránh vùng trên nền xương sẽ gây đau.
Vị trí có bệnh ngoài da, dị ứng, ung nhọt, lở loét, vùng da có vết thương chưa lành, chấn thương,...
Những trường hợp tuyệt đối không nên cạo gió
Mặc dù đem lại hiệu quả nhất định cho người được cạo gió, nhưng cũng cần lưu ý những đối tượng có bệnh nền sau thì tuyệt đối không cạo gió để đảm bảo an toàn sức khỏe:
Người bệnh sốt xuất huyết.
Người bệnh thận xuất hiện suy thận.
Người bệnh có xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan và các bệnh có xu hướng chảy máu.
Người bệnh tim nặng xuất hiện suy tim.
Người bệnh xơ gan báng bụng, phù toàn thân.
Ngoài ra, bác sĩ lưu ý rằng: "Cần thận trọng với người có nguy cơ cao bị đột quỵ (bềnh nền mạn tính: cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, người cao tuổi). Khi thấy mệt mỏi, ngất xỉu, khó nói, yếu nửa người… cần đưa đi bệnh viện ngay, không nên mất thời gian cạo gió vì đó có thể là dấu hiệu đột quỵ".
Một số lưu ý khi cạo gió
Nên cạo gió trong phòng, tránh gió lùa
Không nên sử dụng dầu xoa mà thành phần của nó có tinh dầu bạc hà (menthol), vì đây là tinh dầu có tính chất bốc hơi nhanh nên gây cảm giác mát lạnh. Khi xoa dầu, ban đầu cảm thấy ấm nóng nhưng một lúc sau thì cảm thấy mát và lạnh vùng được xoa dầu.
Không dùng vật sắc cạnh, cứng để cạo gió, vì dễ gây tổn thương da, có nguy cơ nhiễm trùng và nhiễm một số bệnh lây lan qua đường máu. Tốt nhất nên sử dụng vật cạo là củ gừng được cắt bằng ở đầu, dùng đầu gừng cạo, khi tà đầu thì cắt ngang bỏ, tạo đầu mới, vừa an toàn vừa sử dụng được tinh dầu gừng có tính ấm, nóng.
Không dùng lực tác động mạnh lên vùng cạo gió gây tổn thương da, dễ bị nhiễm khuẩn.
Chủ yếu cạo hai bên đường dọc cột sống lưng. Không nhất thiết phải cạo đến đỏ bầm.
Không nên cạo vùng cơ cổ.
Sau khi cạo gió xong nên giữ ấm cơ thể, tốt nhất ăn thêm một bát cháo hành giải cảm.
Cạo gió thực sự hữu hiệu trong trường hợp cảm mạo thời tiết, nhiễm lạnh , nhức mỏi tay chân do làm việc quá độ. Trong trường hợp suy nhược vì một bệnh lý nào đó như đau đầu chóng mặt vì cao huyết áp, viêm xoang,… thì nên đến cơ sở y tế khám để có một chẩn đoán xác định và phương thức điều trị thích hợp.