Tập thể dục
Thói quen duy trì hoạt động thể chất đều đặn là điều nên làm với những bệnh nhân tăng huyết áp. Nếu biết tập luyện đúng cách, đúng cường độ, thói quen này sẽ giúp người bệnh kiểm soát được huyết áp.
Lời khuyên của bác sĩ dành cho các bệnh nhân tăng huyết áp là nên lựa chọn các bộ môn như đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi, đạp xe… và tập luyện theo cường độ phù hợp với mỗi người. Người bệnh nên duy trì tập luyện ít nhất 5 ngày trong tuần và mỗi lần tối thiểu 30 phút.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Hạn chế đồ ngọt
Ăn quá nhiều đường có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Tiến sĩ Higgins cho biết những người ăn nhiều đường có thể ảnh hưởng đến các hoóc môn gây tăng huyết áp.
Vì vậy, hãy hạn chế lượng đường bổ sung và đồ ngọt. Tuy nhiên, đường tự nhiên trong trái cây và rau quả không làm tăng huyết áp.
Đo huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp cần đo huyết áp hàng ngày để theo dõi huyết áp có đạt mục tiêu hay không? Thời điểm tốt nhất để đo huyết áp là khi ngủ dậy và sau khi uống thuốc khoảng 1 giờ. Người bệnh tăng huyết áp cũng có thể đo huyết áp bất kỳ khi nào nếu thấy có triệu chứng chóng mặt, đau đầu, hoa mắt…
Không bỏ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng trong ngày, nếu bỏ bữa sáng nhịp sinh học của cơ thể sẽ bị thay đổi. Người bệnh không nên bỏ bữa sáng đồng thời cần có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Một số thực phẩm nên lựa chọn cho bữa sáng là các loại trái cây, rau xanh (bắp cải, cải xoăn, cải bẹ, rau chân vịt…), hạt giàu Omega-3 (hạt óc chó, hạnh nhân, quả phỉ…)… đây đều là những thực phẩm giúp ổn định huyết áp.
Vào bữa sáng, người bệnh nên hạn chế các thực phẩm có nhiều đường hoặc đồ ăn mặn, nhiều muối. Bởi khi cơ thể tiêu thụ nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến các hoạt chất giúp ổn định huyết áp nhất là đường mía. Người bệnh nên lựa chọn các loại đường tự nhiên có trong trái cây để tiêu thụ.
Tương tự như việc ăn nhiều đường, chế độ ăn mặn có thể khiến tích nước trong tế bào dẫn đến tăng trương lực thành mạch, co mạch và làm cho sức cản ngoại vi tăng khiến huyết áp tăng.
Hạn chế tiêu thụ caffein
Nhiều người thường có thói quen uống một tách cà phê vào mỗi sáng. Việc uống cà phê vào buổi sáng có thể dẫn tới huyết áp cao, nhất là uống quá mức. Caffein là chất kích thích giúp tinh thần sảng khoái và tỉnh táo hơn. Tuy nhiên khi dùng quá liều có thể khiến tuyến thượng thận tiết ra nhiều adrenaline – một hoạt chất tác động lên thần kinh giao cảm làm tim đập nhanh và khiến huyết áp tăng lên.
Caffein cũng có mối quan hệ trực tiếp với nồng độ hormone cortisol gây căng thẳng, người bệnh chỉ nên dùng một tách cà phê không chứa caffein (đã loại bỏ 97% caffein) và tránh uống ngay vào lúc sáng sớm.
Tránh để cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột
Vào mùa hè, nhiều người có thói quen dùng điều hòa khiến nhiệt độ trong phòng và bên ngoài có sự chênh lệch lớn. Buổi sáng khi thức dậy, sự chênh lệch nhiệt độ này có thể dẫn đến các cơn co mạch đột ngột và làm huyết áp tăng có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Người bệnh nên thay đổi nhiệt độ phòng để cơ thể thích nghi với nhiệt độ bên ngoài trước khi ra khỏi phòng.
Bên cạnh những thói quen tốt vào buổi sáng, người bệnh cần duy trì uống đủ nước mỗi ngày, hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích, tránh thức khuya và ngủ đủ giấc vào ban đêm. Nếu cơ thể xuất hiện những bất thường thì cần liên hệ với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử trí kịp thời.