Tâm sen là gì?
Tâm sen tên khoa học của tim sen là Embryo Nelumbinis. Đây là phần mầm màu xanh của cây sen, nằm bên trong hạt sen. Tác dụng của tâm sen nổi bật nhất phải kể đến là an thần và thanh nhiệt.
Lương y Bùi Hồng Minh – chủ tịch Hội Đông y Ba Đình chia sẻ: "Tâm sen có vị đắng, tính hàn, vào kinh tâm, có công năng thanh tâm hỏa, trấn kinh, an thần, gây ngủ, bình can hạ áp, có tác dụng thanh nhiệt, dùng khi ôn nhiệt tà nhiệt, tâm phiền bất an, mất ngủ, cao huyết áp.”
Trong tâm sen cũng được cho là có chứa các chất như: Neferin, lotusin, nuxiferin, pronuxiferin, metylcoripalin, demetulcoclaurin, alkaloid, flavonoid, acid amin …
Những trường hợp không nên dùng tâm sen
Những người mất ngủ ở thể hư nhược, thể hàn với biểu hiện: khi ngủ hay mê, dễ tỉnh giấc, mỏi mệt, ăn uống giảm sút, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng, sợ lạnh thích ấm… nếu dùng thì bệnh nặng hơn và dễ gây rối loạn tiêu hóa, đại tiện lỏng…
Người bị tỳ vị hư yếu (ăn không ngon, đầy bụng, đại tiện lỏng hoặc sống phân…), hoặc bị hư nhiệt (thể trạng suy nhược, mệt mỏi, ngại hoạt động, nói nhỏ, thích đồ nguội, táo bón, có thể kèm sốt nhẹ…) không nên dùng.
Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng tâm sen để chữa mất ngủ (liều dùng quy định là từ 1-2g/ngày). Thông tin về an toàn và hiệu quả của trà tâm sen trong khi mang thai là còn thiếu. Chính vì thế, trước khi lựa chọn uống trà tim sen để chữa mất ngủ, tốt nhất hãy thảo luận những ưu khuyết điểm của sản phẩm này với bác sỹ điều trị của bạn
Thành phần có tác dụng an thần của tâm sen là các alcaloid. Chất này giúp ngủ ngon nhưng cũng dễ gây độc với cơ thể. Do đó, tâm sen phải qua bào chế và không nên dùng lâu dài. Alcaloid có tác dụng an thần là chính, giúp tạo giấc ngủ ngay nhưng tác dụng phục hồi thần kinh chưa mạnh. Người bệnh khi dùng có thể ngủ tốt một thời gian nhưng dễ mất ngủ trở lại do thần kinh vẫn yếu, quá trình điều tiết giấc ngủ chưa được phục hồi. Do đó thay đổi chế độ sinh hoạt trong ngày cũng góp phần vào hiệu quả điều trị.