Chế độ ăn uống
Việc kiểm soát và chú ý tới những gì mình ăn là một trong những điều quan trọng nhất để kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này được quyết định bởi carbohydrate (đường và tinh bột trong thức ăn).
Nếu ăn tinh bột đường trong giới hạn cho phép, nó sẽ không ảnh hưởng tới đường huyết. Tuy nhiên, khi tiêu thụ quá nhiều carbohydrate có trong cơm trắng, bánh mì, thực phẩm chiên rán… nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến.
Thay vào đó, bạn nên chọn các loại carbohydrate tốt như ngũ cốc chưa qua chế biến (lúa mạch, hạt quinoa, bánh mì nguyên cám, đậu, gạo lứt…) để tiêu thụ. Những loại thực phẩm này không chỉ kiểm soát được lượng đường huyết mà còn tốt cho cơ thể.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú trọng tới chất xơ trong thực phẩm vì nó có thể làm giảm lượng đường trong máu. Ngũ cốc nguyên hạt, trái cây ít đường (táo và việt quất), sữa chua và đậu cũng là những lựa chọn tốt. Đặc biệt, đối với trái cây nên hạn chế ăn nhiều cùng lúc và ăn ít những loại quả có hàm lượng đường cao như dưa hấu, chuối…
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Bệnh tật hoặc căng thẳng
Khi cơ thể bị ốm, nó sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng, cuối cùng làm tăng lượng đường trong máu. Căng thẳng kích hoạt sản xuất cortisol – một hormone liên quan đến phản ứng căng thẳng của cơ thể. Cortisol, cùng với các cytokine tiền viêm khác, thúc đẩy quá trình phân giải glycogen (phân hủy glucose dự trữ thành đường đi vào máu) và tân tạo glucose (cơ thể tạo ra thêm glucose từ các nguồn không phải carbohydrate). Kết quả chung là lượng đường trong máu tăng vọt.
Khi bạn bị bệnh, điều quan trọng là phải có một kế hoạch cụ thể. Đơn cử như theo dõi lượng đường trong máu, chọn thực phẩm và đồ uống có lượng carbohydrate vừa phải để ngăn đường huyết tăng thêm.
Mất nước
Khi bạn bị mất nước, lượng nước dự trữ bị thiếu hụt, dẫn đến nồng độ glucose trong máu cao hơn (hay đường huyết cao) khi cơ thể cố gắng bù đắp sự mất cân bằng chất lỏng.
Giải pháp là đưa việc bù nước vào kế hoạch hàng ngày của bạn. Nhu cầu nước khác nhau tùy mỗi người, nhưng nguyên tắc chung là nếu nước tiểu của bạn có màu vàng nhạt, tức là bạn đã đủ nước. Nếu nước tiểu sẫm màu hơn, hãy uống nhiều nước hơn.
Đặt lời nhắc uống nước hoặc pha nước với thảo mộc, cam quýt có thể giúp việc uống nước trở nên hấp dẫn hơn. Trà thảo mộc nóng hoặc lạnh cũng là lựa chọn tuyệt vời để bổ sung nước.
Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng lượng đường trong máu, bao gồm steroid, thuốc ổn định tâm trạng, statin và thuốc lợi tiểu (dành cho sức khỏe tim mạch). Một số loại thuốc nhất định có thể ảnh hưởng đến tuyến tụy cũng như quá trình sản xuất glucose trong cơ thể.
Thuốc lợi tiểu làm tăng lượng nước tiểu, giúp giảm huyết áp; tuy nhiên, một tác dụng phụ không mong muốn là có thể làm tăng đường huyết do chất lỏng thoát ra khỏi máu và đường trở nên cô đặc hơn. Steroid có khả năng can thiệp vào quá trình tiết insulin từ tuyến tụy, dẫn đến lượng đường trong máu lưu thông cao hơn.
Biến động hormone
Glucagon, amylin, epinephrine, cortisol và hormone tăng trưởng là một số hormone liên quan đến việc điều hòa đường huyết. Chúng đặc biệt liên quan đến quá trình phân hủy và sản xuất glucose ở gan, cũng như độ nhạy cảm của cơ thể với insulin.
Phụ nữ mắc tiểu đường tuýp 1 có thể gặp tình trạng đường huyết dao động vào những thời điểm khác nhau trong chu kỳ kinh nguyệt. Trong thai kỳ, các hormone do nhau thai tiết ra có thể khiến đường huyết của mẹ tăng cao.
Tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng chẳng hạn như đi bộ cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu và cải thiện insulin.
Nếu không thường xuyên tập thể dục, lượng đường trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng. Thế nhưng, tập luyện quá sức cũng có thể gây ra những tác động tương tự.
Mặc dù như vậy không có nghĩa là bạn không tập thể dục. Việc vận động cơ thể thích hợp là một trong những cách tốt nhất để cải thiện sức khỏe tổng quát. Tùy theo tình trạng đường huyết như thế nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về các bài tập phù hợp với bản thân.
Thiếu ngủ
Khi nói đến đường huyết, việc thiếu ngủ khiến các tế bào phản ứng kém với insulin, từ đó gây ra sự tăng đột biến đường huyết.
Nếu bạn thường xuyên bị mất ngủ, bạn có thể cần đi khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân gốc rễ. Hãy thư giãn trước khi ngủ để có giấc ngủ yên tĩnh và không bị gián đoạn. Tạo một môi trường ngủ mát mẻ, không có công nghệ và ánh sáng xanh. Đảm bảo không ăn hoặc uống quá gần giờ đi ngủ vì điều này có thể gây gián đoạn giấc ngủ ban đêm.