Sản phẩm không an toàn phải thu hồi
Theo thông tin trước đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đã chỉ đạo Chi Cục ATVSTP thành phố Hà Nội lấy 05 mẫu sản phẩm C2, 05 mẫu sản phẩm Rồng đỏ ngẫu nhiên trên thị trường thuộc các lô sản xuất khác nhau. Đồng thời, Cục An toàn thực phẩm cũng tiến hành lấy mẫu nguyên liệu Citric acid tại nhà máy Công ty TNHH URC Việt Nam để kiểm nghiệm hàm lượng chì và yêu cầu đơn vị kiểm nghiệm trả kết quả nhanh nhất có thể để công bố.
Sản phẩm C2 dính "nghi án" nhiễm độc chì vẫn được bày bán tại các cửa hàng và siêu thị khiến dư luận bức xúc. Ảnh Internet. |
Đến thời điểm hiện tại, kết quả kiểm nghiệm cuối cùng chưa có nhưng hai sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ vẫn được bày bán trên thị trường. Người tiêu dùng tỏ ra bức xúc khi sức khỏe của khách hàng bị bỏ mặc, mối quan tâm lớn nhất hiện nay chính là những người đã dùng sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng như thế nào; một công ty lớn như URC lại không tuân thủ nghiêm ngặt VSATTP?
Trao đổi với báo An ninh thế giới, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: “Vấn đề VSATTP đang là vấn đề nóng, đặc biệt hiện đang là mùa nóng các sản phẩm nước giải khát là nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng. Ví dụ, khi nguyên liệu làm sản phẩm có vấn đề về chất lượng, cụ thể ở đây là nồng độ chì vượt ngưỡng như vậy và nguyên liệu đó dùng để làm ra sản phẩm thì Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia phải có trách nhiệm thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước, để có biện pháp đình chỉ lưu thông, thu hồi sản phẩm và thông báo rộng rãi cho người tiêu dùng được biết. Để những trường hợp mua sản phẩm rồi thì không dùng nữa thậm chí còn phải tính đến việc bồi thường cho người tiêu dùng”.
“Hiện nay Cục An toàn thực phẩm đã vào cuộc, chúng tôi rất mong sớm có kết quả để công bố rộng rãi cho người tiêu dùng được biết. Nếu sản phẩm không an toàn thì cần có biện pháp đình chỉ lưu thông, thu hồi sản phẩm và yêu cầu đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng nếu có yêu cầu” – ông Hùng chia sẻ thêm.
Lộ thêm bằng chứng sản phẩm URC nhiễm chì
Theo báo Tiêu dùng plus ngoài tấm Phiếu kiểm nghiệm Acid Citric (chất được dùng để tạo vị chua, điều vị và bảo quản trong thực phẩm và nước giải khát sử dụng trong việc sản xuất C2 và Rồng đỏ) của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia có số hiệu 3600/PKN-VKNQG do PGS.TS Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 21/4/2016 cho thấy hàm lượng chì là 0,84mg/l. Trong khi đó, hàm lượng chì cho phép là 0,5mg/l trong nguyên liệu. Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng như công ty sản xuất URC Việt Nam đều xác nhận, mẫu kiểm nghiệm này là có thật.
Mẫu phiếu kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng chì vượt quá mức quy định trong sản phẩm của URC Việt Nam được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. |
Thêm một mẫu phiếu kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm của URC bị nhiễm độc chì. |
Mới đây, đã xuất hiện thêm một Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 3041 do Viện trưởng NIFC Lê Thị Hồng Hảo ký ngày 05/04/2016 thì 2 lon nước Rồng đỏ có NSX là 19/02/2016 và HSD là 19/11/2016 có hàm lượng chì là 0,085mg/l, trong khi hàm lượng cho phép là 0,05mg/l.
Ngay khi sự việc diễn ra đại diện Công ty URC Việt Nam cũng đã công bố kết quả kiểm nghiệm định kỳ mẫu sản phẩm của công ty nhưng qua đối chiếu thấy rõ sự bất nhất về mặt thời gian, không giống như URC thông báo.
Cụ thể, theo báo Vietq thông tin trong lần kiểm tra mới đây do NIFC thực hiện, kết quả cho thấy hàm lượng chì trong hai sản phẩm này đạt 0,84mg/l, vượt mức cho phép là 0,05mg/l. URC Việt Nam cũng đồng thời cho kiểm tra đối chiếu tại 5 trung tâm Quartest 1, Quartest 3, Eurofin , SGS, ASE. "Nhưng tất cả các kết quả đều không phát hiện hàm lượng chì", phía URC cho hay.
Tuy nhiên, rà soát lại các phiếu kết quả thử nghiệm của trung tâm Quatest 1, Quatest 3 và NIFC, thời gian kiểm nghiệm có sự khác nhau. Cụ thể, kết quả kiểm nghiệm của Quatest 3, thời gian thử nghiệm là từ 3/3/2016 – 8/3/2016, thời gian nhận mẫu là 2/3/2016, kết quả kiểm nghiệm của Quatest 1 được công bố vào ngày 28/3/2016, trong khi đó, trong thử nghiệm của NIFC, thời gian thử nghiệm là 15/4/2016 – 21/4/2016.
Như vậy, kết quả kiểm nghiệm của Quatest 1 và Quatest 3 có trước khi xuất hiện kết quả kiểm nghiệm của NIFC, chứ không cùng lúc như URC đã thông báo .
Nhiều câu hỏi đã được dư luận đặt ra như khi biết nguyên liệu nhiễm độc chì tại sao URC Việt Nam vẫn đưa vào sản xuất, hiện tại số nguyên liệu bị nhiễm độc chì đã được tiêu hủy hay chưa? Kế hoạch thu hồi các sản phẩm được chế biến từ nguyên nhiễm độc chì của URC?
Trao đổi về vấn đề tác hại của sản phẩm nhiễm độc chì, bác sĩ CK1 Đào Thị Yến Thủy - nguyên bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết: “Uống phải nước nhiễm chì, chì sẽ tồn đọng trong cơ thể gây gia tăng chì trong máu. Đồng thời chì sẽ lắng đọng ở các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể gây ra bệnh lý nhễm độc chì. Mức độ nhiễm độc chì tùy vào hàm lượng chì và thời gian sử dụng nước uống nhiễm chì. Nhiễm độc chì ở mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng như mệt mỏi, buồn ngủ, giảm trí nhớ, rối loan tiêu hóa, đau bụng, táo bón, thiếu máu, giảm tinh trùng, nguy cơ sảy thai; nếu nhiễm độc trung bình và nặng thì có thể gây co giật, hôn mê, liệt. ...
“Không nên dùng nước uống hay thức ăn có chứa chì. Các nhà sản xuất và cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm cần kiểm tra giám sát kỹ không để có hàm lượng chì trong sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng” bác sĩ Thủy nhấn mạnh.
Cảm ơn Quý độc giả đã quan tâm đến Tiêu dùng 24G! Mọi ý kiến đóng góp hoặc khiếu nại, phản ánh liên quan đến Thị trường Tiêu dùng xin gửi về cho chúng tôi thông qua hòm thư điện tử: toasoan.tieudung24g@gmail.com - Hotline: 0918.658.465 Ban Biên tập Tiêu dùng 24G |