Thứ 5, 10/10/2024, 11:23 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin trà xanh C2 nhiễm chì

Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin trà xanh C2 nhiễm chì
(Tieudung.vn) - Thời gian vừa qua thông tin nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ của công ty URC bị nhiễm chì vượt ngưỡng cho phép đã khiến đông đảo người tiêu dùng lo lắng, hoang mang.

Người dân sợ hãi với nước giải khát nhiễm chì của URC Việt Nam

Ngày 7.5.2016, một số trang mạng xuất hiện hình ảnh Phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia – Bộ Y tế về sản phẩm của URC, việc các sản phẩm của URC bị nhiễm độc chì vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần khiến nhiều người là fan của dòng nước giải khát này sợ hãi, lo lắng cho sức khỏe khi cơ thể hấp thụ phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Người đưa thông tin lên mạng tự xưng là nhân viên Công ty URC Việt Nam (FB Trần Ngọc Nga).

Trà xanh c2 rồng đỏ nhiễm độc chì
Phiếu kiểm nghiệm lan truyền trên mạng cho thấy nước C2 và Rồng đỏ bị nhiễm chì.

Chị Lưu Quỳnh Anh (quận 3 – TP HCM) cho biết: “Tôi hay mua nước C2 về bỏ tủ lạnh cho hai con nhỏ uống thường xuyên nhưng khi nghe thông tin sản phẩm này nhiễm chì thôi đã chuyển sang loại khác đảm bảo an toàn sức khỏe hơn”.

Đây cũng là tâm lý chung có rất nhiều người khi được biết thông tim hàm lượng chì trong hai sản phẩm của công ty URC Việt Nam sản xuất vượt quá mức cho phép. Cụ thể, C2 Lemon có hàm lượng chì 0.087mg/l, Rồng Đỏ có hàm lượng chì 0.085mg/l so với tiêu chuẩn cho phép chỉ là 0.05mg/l), nguyên nhân là do URC sử dụng acid citric kém chất lượng, bị nhiễm độc chì nặng từ nhà cung cấp Weifang Ensign Industry Co., Ltd – Yixing, Trung Quốc.

Nỗi lo của khách hàng càng có căn cứ hơn khi trước đó một số sản phẩm của URC Việt Nam đã bị phát hiện lỗi trong quy trình sản xuất sản phẩm. Vào tháng 4/2015, một khách hàng tại tỉnh Hà Giang khi mua 1 thùng sản phẩm trà xanh C2 về sử dụng đã phát hiện một chai C2 có hiện tượng chứa dị vật như côn trùng bên trong.

Tháng 7/2015, anh P.V.H (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết: Anh mua sản phẩm trà xanh C2 của Công ty URC. Tuy nhiên khi rót ra cốc để sử dụng, anh Hưng phát hiện trong nước trà xanh C2 vật lạ màu trắng như cao su.

Tuy nhiên, với những lần khách hàng phát hiện sự cố về chất lượng sản phẩm như trên phía nhà sản xuất URC đều không chủ động nhận lỗi, mà ngược lại còn đổ lỗi do khách quan và dùng biện pháp tặng sản phẩm nhằm che lấp bức xúc của khách hàng.

Chưa hết, vào tháng 12.2015, công ty này bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt hành chính và thu hồi sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật. Cụ thể, hành vi vi phạm hành chính của URC là sản xuất, bán ra lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2, ngày sản xuất 8/9/2015 – HSD: 8/9/2016 H2 có các chỉ tiêu kiểm nghiệm hàm lượng Cacbonhydrat = 9,5g/100ml và hàm lượng đường = 9,4g/100ml không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật theo nội dung bản công bố hợp quy số 9488/2015 ATTP – TNCB do Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm - Bộ Y tế cấp ngày 8/5/2015.

Những lần kiểm nghiệm không cho kết quả đồng nhất của URC Việt Nam

Liên quan tới vụ việc lần này, đại diện của URC Việt Nam, bà Nguyễn Thiên Hương – Phụ trách truyền thông của URC cho biết: “Định kỳ 6 tháng, nhà sản xuất  URC Việt Nam đều gửi mẫu sản phẩm để kiểm tra tiêu chuẩn. Tháng 1/2016, nhà sản xuất chủ động gửi mẫu (trà xanh C2 lô sản xuất 11/1/2016 và nước tăng lực Rồng đỏ lô sản xuất 14/1/2016) đến Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia (tên viết tắt NIFC) và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (tên viết tắt Quatest 3). từ NICF (số 1599.1600) phát hiện hàm lượng chì và kết quả từ Quatest 3 (số KT3-01330TP6/1 và KT3-01488TP6/1) không phát hiện hàm lượng chì.

nước-c2-nhiễm-chì
Một sản phẩm nước giải khát C2 có dị vật côn trùng bên trong từng bị khách hàng phát hiện. Ảnh Internet

Vì kết quả không đồng nhất, Công ty URC Việt Nam đã chủ động gửi các mẫu đối chiếu (trà xanh C2 lô sản xuất 4/2/2016 và nước tăng lực Rồng đỏ lô sản xuất 19/2/2016) đến các trung tâm đo lường kiểm tra chất lượng là NIFC, Quatest 1 và Quatest 3. Kết quả từ NIFC (số 2379, 2380) thì phát hiện hàm lượng chì và kết quả từ Quatest 1 (số 2016/750 TN4/01,02) và Quatest 3 (KT3-01328TP6/1, KT3-01490TP6/1) thì không phát hiện hàm lượng chì.

Sau đó, công ty tiếp tục gửi mẫu cùng lô sản xuất đến Trung tâm NIFC và kết quả xét nghiệm (số 3598, 3599) thì không phát hiện hàm lượng chì.

Lần thứ 4, Công ty URC gửi mẫu nguyên liệu acid citrid đến cả 5 đơn vị kiểm nghiệm là NIFC, Quatest 3, Trung tâm SGS (số KD16042104A9), Trung tâm Eurofins (số KD16043250/KQ), Trung tâm ASE (số BMNM 02/3-LBH 03) để kiểm tra đối chiếu. Tất cả đều không phát hiện hàm lượng chì. Chỉ duy nhất kết quả từ NIFC (số 3034, 3600) là có hàm lượng chì.

Được biết, hiện tại Công ty URC đã chủ động gửi mẫu nguyên liệu acid citrid lần 2 và mẫu sản phẩm cho NIFC và Trung tâm Kiểm nghiệm độc lập quốc tế đặt tại Singapore http://www.setsco.com/setsco/ và đang chờ kết quả.

Hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Tags:
4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
2.45063 sec| 790.648 kb