Chế độ ăn keto hay còn gọi là chế độ ăn low-carb, ít tinh bột, giàu chất béo được nhiều người áp dụng để giảm cân. Không chỉ giảm cân, chế độ ăn này còn được chứng minh là giúp giảm tần suất co giật động kinh, chống lão hóa, chống viêm, chống ung thư. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chế độ ăn uống này có thể gây hại sức khỏe. Dưới đây là một vài điều bạn nên biết về chế độ ăn keto trước khi quyết định thực hiện chế độ ăn này để giảm cân.
"Cúm" keto
Chuyên gia dinh dưỡng Kristen Kizer tại Trung tâm y tế Methodist Houston (Mỹ) cho biết: Một số người khi mới bắt đầu chế độ ăn này cảm thấy như bị bệnh. Đôi khi có thể nôn mửa, đau dạ dày, mệt mỏi và lờ đờ. Những triệu chứng này diễn ra trong vài ngày, thường được gọi là "cúm" keto.
Ảnh minh họa
Bác sỹ Josh Axe - chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ ước tính, có khoảng 25% người theo chế độ ăn keto có những triệu chứng này, phổ biến nhất là mệt mỏi.
Để giảm "cúm" keto, bạn nên uống nhiều nước và ngủ nhiều. Ngoài ra, bạn có thể uống trà matcha, cà phê hữu cơ hoặc các loại trà thảo mộc.
Tiêu chảy
Ăn theo chế độ ăn keto cũng có thể khiến bạn bị tiêu chảy, do có quá nhiều chất béo, sữa hoặc chất tạo ngọt nhân tạo trong chế độ ăn uống.
Giảm hiệu suất khi tập thể thao
Một số vận động viên cho rằng, chế độ ăn keto không chỉ giúp giảm cân mà còn cải thiện hiệu suất khi tập thể thao. Đó là bởi họ đã giảm cân khi thực hiện chế độ ăn này.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Y học thể thao, tiến sỹ, phó giáo sư Edward Weiss (Đại học Saint Louis, Mỹ) và đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng, những vận động viên đi xe đạp cường độ cao cảm thấy tồi tệ hơn sau 4 ngày thực hiện chế độ ăn keto. Tiến sỹ Weiss nói rằng, cơ thể có tính acid hơn khi bị ketosis, có thể hạn chế khả năng thực hiện thể dục thể thao ở mức cao nhất.
Ketoacidosis
Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường type 1 hoặc 2, bạn không nên theo chế độ ăn keto, trừ khi có sự đồng ý và giám sát của bác sỹ. Bởi vì, với những người bị bệnh đái tháo đường, ketosis có thể gây ra tình trạng nguy hiểm gọi là nhiễm độc ketoacidosis.
Điều này xảy ra khi cơ thể tích trữ quá nhiều ceton - các acid được tạo ra như một sản phẩm phụ của việc đốt cháy chất béo - và máu trở nên quá chua, có thể làm tổn thương gan, thận và não. Tình trạng này không được điều trị có thể gây tử vong.
Ketoacidosis cũng có thể gặp ở những người không bị đái tháo đường, nhưng hiếm gặp. Các triệu chứng của nhiễm ceton gồm: Khô miệng, đi tiểu thường xuyên, buồn nôn, thở khó.
Tăng cân trở lại
Ảnh minh họa
Vì chế độ ăn keto hạn chế nhiều loại đồ ăn, nên các chuyên gia y tế cho rằng đây không phải là chế độ ăn uống phù hợp để gắn bó lâu dài. Tiến sỹ Axe cũng cho rằng, chế độ ăn này chỉ nên thực hiện trong 30 - 90 ngày, sau đó nên chuyển sang chế độ ăn uống bền vững hơn.
Vấn đề là, hầu hết mọi người sẽ tăng cân trở lại sau khi quay về với chế độ ăn uống bình thường.
Giảm cơ, giảm chuyển hóa
Nếu bạn ăn nhiều chất béo hơn protein, bạn sẽ bị giảm cân, giảm cơ bắp. Vì cơ bắp đốt cháy nhiều calo hơn chất béo, nên sẽ ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể.
Khi bạn không ăn theo chế độ keto nữa, bạn sẽ lấy lại cân nặng ban đầu. Nhưng thay vì tăng cơ nạc, cơ thể bạn lại tăng mỡ.
Tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đái tháo đường
Chế độ ăn keto nếu thực hiện đúng sẽ gồm rất nhiều rau và protein nạc. Tuy vậy, nhiều người lại ăn bơ và thịt xông khói. Đó là lý do tại sao các chuyên gia y tế lo lắng về chế độ ăn keto, đặc biệt là nếu bạn thử nó mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia.
Ảnh minh họa
Các bác sỹ nói rằng, chế độ ăn nhiều chất béo như thế này có thể làm tăng mức cholesterol, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Một số chuyên gia thậm chí còn gọi nó là cơn ác mộng của bệnh tim mạch.