Bệnh viện Da liễu Trung ương, Hà Nội, vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi 10 tuổi mắc viêm da do ánh nắng và thực vật. Đây là bệnh cực hiếm gặp tại Việt Nam.
Gia đình cho biết trước đó, 2 bé ra vườn hái chanh vào buổi trưa thì bất ngờ thấy những biểu hiện lạ. Cổ và tay của 2 bé nổi mụn nước, nốt đỏ kèm nóng rát khắp da. Vài ngày sau, những nốt này thâm đen, 2 bệnh nhi được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám.
Theo GS.TS Trần Hậu Khang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Chủ tịch Hội Da liễu Việt Nam, qua thăm khám, 2 bé được nhận định mắc bệnh viêm da do ánh nắng và thực vật (Phytophotodermatitis).
GS Khang cho biết đây là dạng viêm da nhiễm độc ánh sáng. Bệnh xảy ra khi da tiếp xúc 2 yếu tố là hóa chất của thực vật (đóng vai trò như chất nhạy cảm ánh nắng) và ánh nắng mặt trời.
Bàn tay của hai bệnh nhi sạm lại, nổi mẩn, mụn nước sau khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
Cơ thể bệnh nhân tiếp xúc các loại cây có chứa một chất đặc biệt là furocoumarins. Tia cực tím bước sóng dài UVA (320-400 nm) có trong ánh nắng mặt trời sẽ kích hoạt chất này và gây phản ứng mạnh, viêm da. Lúc này, các tế bào sắc tố ở trạng thái bị kích thích, tăng sản xuất melanin, khiến vùng da tiếp xúc bị thẫm màu, đen sạm, nổi mẩn hoặc mụn nước.
''Bệnh điều trị không quá khó, chỉ cần phát hiện sớm và có những bước can thiệp kịp thời. Đây là bệnh được xếp vào dạng phản ứng viêm da do tiếp xúc nên có thể điều trị giảm viêm, bôi thuốc chống viêm chứa corticoid và uống thuốc chống dị ứng. Chỉ một số ít bệnh nhân mới phải chỉ định dùng kháng sinh'', GS Khang nói.
Qua trường hợp ca bệnh trên, GS Khang khuyến cáo để phòng viêm da tiếp xúc do ánh nắng và thực vật, người dân nếu không có việc cần thiết không nên ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 10 đến 13h. Bởi đây là giai đoạn cường độ các tia cực tím mạnh nhất.
Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên rửa tay, vùng da hở bằng xà phòng hay nước lạnh sau khi làm việc ngoài trời và tiếp xúc với các loại cây như cam, chanh, quýt, cần tây, mùi tây, sung, vả..., có chứa furocoumarins.