Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà làm rõ một số thông tin tại hội nghị.
Còn 4 chỉ tiêu khó trong thực hiện
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” diễn ra đầu tháng 8/2023, đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo) cho biết: Đến nay kế hoạch ban hành văn bản thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU đã cơ bản hoàn thành. Các chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được Thành phố ban hành. Hiện đã có 18/27 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, cùng với những kết quả đó, Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU cũng cho biết hiện có 4 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện gồm chỉ tiêu số bác sỹ/vạn dân. Mục tiêu đến năm 2025 đạt 15 bác sỹ/vạn dân, đến nay đạt 14 bác sỹ/vạn dân (đạt 93,34% mục tiêu).
Quang cảnh hội nghị.
Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe, mục tiêu đến năm 2025 có 100% người dân được quản lý sức khoẻ, đến nay đạt 82,5% mục tiêu.
Tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội mục tiêu đến năm 2025 đạt 55%, đến nay đạt trên 45%.
Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường. Chương trình sữa học đường đã được thay thế bằng Chương trình sức khỏe học đường. Sở GD&ĐT đề nghị thay thế bằng chỉ tiêu “90% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đặt chuẩn theo quy định”.
Nhiều giải pháp tăng tỉ lệ giường bệnh/vạn dân
Tại hội nghị, làm rõ thêm về chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, số bác sĩ hiện là 14 bác sĩ/vạn dân, để đạt mục tiêu của Chương trình thì còn thiếu 1.555 bác sĩ. Chia bình quân 3 năm, mỗi năm cần tăng thêm khoảng 518 bác sĩ. Số lượng bác sĩ này sẽ được thu hút qua các đợt tuyển dụng viên chức, qua các Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Y tế và Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho ngành Y tế Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Đối với chỉ tiêu quản lý sức khỏe người dân phải đạt 100%, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo, ngành y tế Thủ đô đã triển khai đến tất cả các quận, huyện. Đến nay, đã có một số đơn vị triển khai tốt chỉ tiêu này như: Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Chương Mỹ. Thời gian tới, ngành y tế TP sẽ tiếp tục triển khai rộng khắp, cam kết đưa bác sĩ ở các bệnh viện tuyến thành phố khám, chữa bệnh miễn phí tại các quận, huyện.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị.
"Mục tiêu của Chương trình 08-CTr/TU là 100% được quản lý sức khỏe, chứ không phải khám sức khỏe, nhưng Ban Chỉ đạo đang nâng lên một mức là quản lý bằng khám sức khỏe, chất lượng hơn rất nhiều so với việc chỉ quản lý trên giấy tờ. Sở Y tế cam kết trong quý 2/2024 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này"- Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Y tế, thời gian qua ngành y tế đã triển khai một số giải pháp đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân cũng như hoàn thành chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân như hoàn thành đề xuất các chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của ngành. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ngành, quận huyện thẩm định về chuyên môn, nhu cầu công năng, năng lực... của các dự án thuộc thẩm quyền của quận, huyện.
Về xã hội hoá các bệnh viện để tăng tỉ lệ giường bệnh/vạn dân, ngày 14/6/20223 Văn phòng UBND TP có thông báo giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với sở QH-KT, TN&MT, UBND các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Gia Lâm, Sóc Sơn rà soát để thực hiện kêu gọi xã hội hoá các bệnh viện phía Nam, Bắc, Đông, Tây, Giám đốc Sở Y tế đề nghị Sở KH&ĐT chủ trì theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP, Sở Y tế sẽ phối hợp để thực hiện. Bên cạnh đó, còn nhóm hơn 20 bệnh viện đã được phê duyệt chủ trương đầu tư vẫn bị chậm tiến độ, cần rà soát để đảm bảo chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân...
Tại hội nghị, làm rõ thêm về chỉ tiêu tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội, Phó Giám đốc BHXH TP Đàm Thị Hòa cho biết, ngành BHXH TP và Sở LĐ-TB&XH đang tham mưu để trình Thành phố về chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT cho người từ 70 đến 80 tuổi, cuối năm 2023 sẽ giải quyết được chỉ tiêu này. Còn chỉ tiêu “Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia chương trình sữa học đường”, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, chương trình vẫn được ngành nỗ lực triển khai, có Tờ trình số 573/TTr-SGDĐT đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu thành “90% trường học có tổ chức bữa ăn học đường sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn học đường đạt chuẩn theo quy định”. |