Ê buốt chân răng là bệnh gì?
Ê buốt chân răng hay còn gọi là răng nhạy cảm xảy ra khi phần ngà răng lộ ra ngoài do mô nướu bị tụt. Nguồn ảnh: Internet
Ê buốt chân răng hay còn gọi là răng nhạy cảm xảy ra khi phần ngà răng lộ ra ngoài do mô nướu bị tụt. Chân răng thường không có lớp men cứng bao phủ bên ngoài nên khi phần nướu tụt sẽ làm lộ lớp ngà răng và các ống thần kinh nhỏ. Do đó, khi thức ăn – đồ uống tiếp xúc với phần ngà răng và các ống thần kinh sẽ gây kích thích các dây thần kinh trong răng và khiến bạn đau nhức.
Bạn thường dễ bị đau buốt răng khi uống hoặc ăn những thức ăn nóng hoặc lạnh. Một số người có thể bị nhạy cảm khi ăn uống đồ ngọt hay chua. Cơn đau nhức răng thường không kéo dài, chỉ xuất hiện và biến mất trong khoảng thời gian ngắn.
Vì sao bạn bị ê buốt chân răng?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến chân răng bị ê buốt, chẳng hạn như:
Đánh răng quá mạnh hoặc dùng bàn chải có lông quá cứng: Theo thời gian, điều này có thể làm mòn lớp men răng và để lộ các ống dây thần kinh nhỏ. Khi các ống này tiếp xúc với đồ ăn, đồ uống quá nóng/lạnh hoặc các loại đồ ăn có tính axit và dính, răng có thể bị ê buốt và gây khó chịu.
Thường xuyên ăn những thực phẩm có tính axit: Khi các ống thần kinh nhỏ của răng bị lộ ra ngoài, việc ăn những thực phẩm như cà chua, chanh, bưởi… có thể khiến bạn bị đau răng.
Có thói quen nghiến răng: Thói quen nghiến răng có thể làm mòn men răng, theo thời gian sẽ làm lộ phần ngà hoặc lớp giữa của răng – nơi chứa các ống thần kinh nhỏ.
Sử dụng kem đánh răng làm trắng răng: Một số sản phẩm kem đánh răng có chứa chất làm trắng, có thể không phù hợp với người có răng nhạy cảm.
Sử dụng nước súc miệng không phù hợp: Giống như kem đánh răng, việc sử dụng một số loại nước súc miệng có chứa cồn và các hóa chất khác có thể là nguyên nhân khiến răng dễ bị nhạy cảm hơn.
Bệnh viêm nướu: Tình trạng viêm nướu nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tụt nướu và gây đau buốt chân răng.
Quá nhiều mảng bám trên răng: Điều này sẽ gây mòn men răng và khiến răng dễ nhạy cảm hơn.
Vừa làm các thủ thuật nha khoa: Bạn có thể cảm thấy đau buốt chân răng sau khi cạo vôi răng, lấy tủy răng, nhổ răng hoặc gắn mão răng. Nếu các triệu chứng không biến mất sau vài ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Đôi khi, các tình trạng khác có thể là nguyên nhân dẫn đến ê buốt chân răng. Ví dụ, trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể khiến axit trào lên từ dạ dày và thực quản và làm mòn men răng theo thời gian. Các tình trạng gây nôn mửa thường xuyên – bao gồm liệt dạ dày và chứng ăn vô độ – cũng có thể khiến axit ăn mòn men răng.
Sâu răng, gãy răng, miếng trám hoặc mão răng bị sứt mẻ hoặc mòn men răng có thể làm lộ ngà răng, gây ê buốt. Trong trường hợp này, bạn thường chỉ cảm thấy ê buốt ở một răng hoặc một vùng cụ thể trong miệng thay vì đau hết các răng.
Giảm ê buốt răng tại nhà
Súc miệng bằng dầu một biện pháp giúp giảm ê buốt răng hiệu quả
Súc miệng bằng dầu mè hoặc dầu dừa có thể giúp giảm ê buốt răng hiệu quả. Súc dầu là một thực hành Ayurvedic truyền thống có nguồn gốc từ Ấn Độ, bao gồm việc súc dầu quanh miệng trong vài phút trước khi nhổ ra.
Kết quả của một nghiên cứu năm 2009 cho thấy rằng súc dầu mè có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh nướu răng, mà các nha sĩ gọi là viêm nướu.
Ngoài ra, việc súc dầu dừa hàng ngày có thể làm giảm sự hình thành mảng bám và các dấu hiệu của viêm lợi.
Lá ổi giúp giảm ê buốt răng tại nhà
Nhai lá ổi hoặc sử dụng gel bôi có chứa chiết xuất từ lá ổi có thể giúp giảm đau và ê buốt răng.
Một đánh giá năm 2017 về lợi ích sức khỏe của lá ổi, chiết xuất giàu flavonoid trong ổi có đặc tính giảm đau, chống viêm và kháng khuẩn qua đó có khả năng làm dịu cơn đau răng.
Gel đinh hương giảm ê buốt răng hiệu quả
Từ lâu, người ta đã sử dụng dầu đinh hương như một phương thuốc dân gian chữa đau răng. Một nghiên cứu năm 2006 chỉ ra rằng gel đinh hương có hiệu quả như gel benzocain trong việc giảm đau do kim châm.Bôi gel hoặc dầu đinh hương vào lợi có thể giúp giảm ê buốt và đau răng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa về công dụng này của gel đinh hương để khẳng định lợi ích của nó.
Tỏi giảm ê buốt răng tại nhà
Trong tỏi có chứa chất allicin, chất này có đặc tính kháng khuẩn và có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn như Streptococcus mutans có thể dẫn đến các bệnh răng miệng.
Sự tích tụ của S. mutans xung quanh răng và nướu có thể dẫn đến sâu răng, làm trầm trọng thêm tình trạng ê buốt răng. Chống lại những vi khuẩn này có thể làm chậm quá trình viêm và giảm bớt sự nhạy cảm của răng.
Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối có thể làm giảm mảng bám răng. Để làm nước muối súc miệng, hãy thêm nửa thìa cà phê muối vào 240ml nước ấm. Sau đó súc miệng bằng dung dịch này nhiều lần trước khi nhổ ra.