Thứ 4, 09/10/2024, 23:20 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Các loại thực phẩm người bệnh ung thư đại tràng nên ăn

Các loại thực phẩm người bệnh ung thư đại tràng nên ăn
(Tieudung.vn) - Các loại thực phẩm cho người bệnh ung thư đại trực tràng nên đa dạng, và phải đủ 4 nhóm chất thiết yếu như đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.

Việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết sẽ giúp cơ thể người có đủ năng lượng để chống chọi với bệnh tật và phục hồi sau phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Ăn đủ chất cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch; giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin và khoáng chất, những yếu tố có thể làm suy yếu sức khỏe và khiến bệnh nặng thêm.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ khuyến nghị người bệnh ung thư cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm: protein (chất đạm), carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Các loại thực phẩm người bệnh ung thư đại tràng nên ăn

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)

Chất đạm

Chất đạm cung cấp năng lượng và giúp cơ thể phục hồi. Các nguồn giàu đạm tốt và dễ hấp thu bao gồm: Thịt nạc, ức gà, cá, trứng, sữa chua, các loại đậu…

Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến cáo, mỗi người không nên ăn quá 300g thịt đỏ một tuần. Riêng bệnh nhân ung thư đang hóa trị thì có thể ăn đến 500g/tuần để bổ sung lượng hồng cầu bị mất khi hóa trị.

Chất xơ và chất chống oxy hóa

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra trong các loại rau chứa nhiều chất chống oxy hóa, đây là “khắc tinh” của những tiền chất gây ung thư. Do vậy khi ăn thịt đỏ nên dùng kèm với nhiều loại rau có màu sắc khác nhau để gia tăng tối đa hàm lượng chất chống oxy hóa. Nên dùng các loại thảo mộc giàu chất chống oxy hóa như sả, gừng, hành, tỏi và dầu ô liu để ướp thịt. Ưu tiên ăn thịt trắng nhiều hơn thịt đỏ, hoặc thay thế một phần đạm động vật bằng đạm thực vật như (đậu đỗ, giá,..)

Nghiên cứu cho thấy, các thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ và phục hồi DNA bị tổn thương của cơ thể.

Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào nên có thể làm giảm nguy cơ tế bào đột biến do bị hư hại và trở thành ung thư.

Nhiều loại vitamin, khoáng chất trong rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu cũng giúp sản xuất, phục hồi DNA và kiểm soát sự phát triển của tế bào. Một số loại thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến các loại ung thư, cụ thể như thực phẩm thực vật có chứa nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc tăng lượng chất xơ sau khi chẩn đoán ung thư ruột kết mang lại cho bệnh nhân những lợi ích bao gồm cải thiện tỷ lệ sống sót. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ thêm 5g chất xơ mà một người nào đó ăn mỗi ngày, họ sẽ giảm 22% tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng và giảm 14% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

Chất béo lành mạnh

Chất béo rất quan trọng vì chúng cung cấp năng lượng, duy trì sự phát triển của tế bào, ổn định huyết áp, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Các nguồn thực phẩm giàu chất béo tốt cho người bệnh ung thư đại tràng bao gồm: Dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt chia...); Cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ…).

Vitamin và khoáng chất

Bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn uống giúp người bệnh ung thư đại tràng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng, hỗ trợ quá trình điều trị. Một số loại thực phẩm giúp tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư như vitamin C, E, D, canxi, kẽm, beta-carotene và selen…

Nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho người bệnh ung thư đại tràng bao gồm: Các loại rau củ quả chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau; Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi, vitamin D và protein; Thịt nạc cung cấp kẽm, sắt, vitamin B12.

Lưu ý: Để giảm những triệu chứng khó chịu trong ăn uống khi điều trị ung thư, người bệnh nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo lượng thức ăn cộng lại cung cấp đủ lượng calo cơ thể cần. Nên uống đủ nước mỗi ngày. Nếu nước không ngon miệng, hãy bổ sung thêm chất lỏng vào thức ăn và đồ uống khác như ăn súp, uống trà, sữa, nước ép trái cây…

Chế độ dinh dưỡng sau điều trị 

Người bệnh cũng nên chú ý tới chế độ ăn uống sau quá trình điều trị để không chỉ giúp cơ thể phục hồi, ngăn ngừa ung thư tái phát mà còn tránh mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường. Chuyên gia dinh dưỡng Chelsey Wisotsky khuyên mọi người nên tiếp tục chọn thực phẩm giàu chất béo tốt, thịt nạc và protein từ thực vật hay các sản phẩm sữa ít béo.

Chelsey Wisotsky gợi ý thêm hai đơn giản và nhẹ nhàng cho người bệnh:

- Sữa chua: với nguyên liệu gồm một hộp sữa chua Hy Lạp, bánh quy gừng bẻ vụn, 1/2 quả chuối thái lát. Trộn tất cả hỗn hợp với nhau.

- Bánh kếp giàu protein: một quả chuối nghiền nhuyễn, một quả trứng, 1/4 cốc sữa, 1/2 chén yến mạch. Trộn đều tất cả với nhau, sau đó làm một cái bánh lớn hoặc chia ra thành 2 - 3 cái cho vào lò nướng.

Tags:
3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.10629 sec| 790.094 kb