Bệnh nhân cho biết, cách đây hơn 1 năm đã được phát hiện u vú. Bác sĩ đã tư vấn phẫu thuật cắt tuyến vú trái cho bệnh nhân. Nhưng vì lý do cá nhân, bệnh nhân xin ra viện và về nhà đi đi đắp thuốc nam.
Sau một thời gian đắp thuốc, khối u của bệnh nhân ngày càng to, biến dạng, sùi loét và chảy máu nhiều, làm cho sức khỏe bệnh nhân ngày càng giảm sút, ăn uống kém và sút cân.
Khối u ở ngực trái bệnh nhân được bác sĩ cắt bỏ. (Nguồn ảnh: BVCC)
ThS.BS Quách Thanh Tùng - bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân cho biết: Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán K vú trái. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và thống nhất phương pháp tối ưu điều trị cho bệnh nhân là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u vú trái, nạo vét hạch và chuyển vạt da tự thân che phủ tổn thương.
Sau phẫu thuật, hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Theo bác sĩ Tùng, thuốc nam đắp lên vú không thể điều trị được khối u hay làm tiêu u như nhiều người vẫn nghĩ. U ở vú có thể là u lành hoặc u ác tình và thường thì khối u còn do ảnh hưởng của nội tiết trong cơ thể.
Bác sĩ Tùng khuyến cáo: Khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy cơ ung thư cần đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Đối với các chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi, cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể sớm phát hiện ra bệnh. Khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về ung bướu.
Tuyệt đối không tự điều trị khi không có sự chỉ định của bác sĩ, bởi có thể khiến bệnh diễn biến nặng hơn gây nguy hiểm cho người bệnh.