Chiều 27/11, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết một trong hai trường hợp đầu tiên nhập viện vì ngộ độc pate Minh Chay đã tử vong. Đó là bệnh nhân nam, 70 tuổi.
Cuối tháng 8, người đàn ông này và vợ nhập viện sau 14 ngày sử dụng sản phẩm pate Minh Chay có chứa độc tố botulinum. Ông bị liệt các cơ từ đầu đến chân và phải thở máy. Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của 2 bệnh nhân có cải thiện. Tuy nhiên, người chồng tuổi cao (70 tuổi) nên mắc thêm các bệnh cơ hội. Dù được các bác sĩ cố gắng điều trị, bệnh nhân tiên lượng nặng. Gia đình xin đưa người này về. Ông tử vong tại nhà.
Bệnh nhân được sử dụng thuốc giải nhưng không qua khỏi.
Ngoài ra, bệnh nhân cuối cùng trong vụ việc ngộ độc pate Minh Chay điều trị tại cơ sở y tế này vừa được xuất viện.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cuối tháng 8 đã cảnh báo khẩn cấp về pate Minh Chay vì gây ngộ độc cho nhiều người. Đến nay, cả nước ghi nhận 16 người ngộ độc nặng, cư trú tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Quảng Nam. Các mẫu xét nghiệm khẳng định các bệnh nhân ngộ độc botulinum từ loại pate này. Ngoài ra, có nhiều người khác ngộ độc nhẹ, chỉ mỏi và yếu cơ, được điều trị cải thiện và xuất viện trong ngày.
Theo Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, độc tố botulinum có nhiều loại, gây ra bởi vi khuẩn kỵ khí trong đồ ăn được đóng gói, lọ, hộp, túi, chai kín hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kềm chế vi khuẩn phát triển, sinh độc tố. Ngộ độc botulinum nặng, kéo dài, ảnh hưởng tới thần kinh nên gây liệt toàn bộ cơ, liệt kéo dài, dễ tử vong. Bệnh nhân phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng.
Ngộ độc botulinum chưa từng xuất hiện tại Việt Nam trong 30 năm qua, vì vậy không có huyết thanh hay thuốc giải độc. Tổ chức Y tế Thế giới đã điều phối 12 lọ thuốc giải độc từ Thái Lan và Thụy Sĩ về Việt Nam để điều trị cho các bệnh nhân.
Phần đông bệnh nhân ngộ độc botulinum mất 2-4 tháng điều trị, sau xuất viện đến nay gần như vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.