Nhiều thành phố ở Trung bộ và Nam bộ có tia UV cao
Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ ngày 7/3 đến 9/3, ngưỡng chỉ số tia cực tím (UV) các thành phố thuộc khu vực Trung bộ và Nam bộ trong ngày đạt ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (chỉ số tia UV từ 3-5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 6-8 nguy cơ gây hại cao, chỉ số tia UV trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao).
Cụ thể, từ ngày 7-9/3, chỉ số tia UV tại Huế lần lượt là 10,10,9; Đà Nẵng 10,9,9; Hội An 10,10, 8; Nha Trang 10,10,10; TP. Hồ Chí Minh 10,10,10; Cần Thơ 10,10,10; Cà Mau 10,9,10.
Tia UV có tác hại gì?
Do UVC là vùng bức xạ có năng lượng cao nhất nên tia tử ngoại UVC có khả năng gây tổn hại nhiều nhất cho đôi mắt và làn da của con người. May mắn thay, tầng ozone của bầu khí quyển Trái Đất đã ngăn chặn gần như toàn bộ tia UVC này. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều tác động tiêu cực, tầng ozon bảo vệ trái đất của chúng ta đang ngày càng yếu và mỏng đi, có nhiều lỗ thủng xuất hiện, có khả năng cho phép các bức xạ năng lượng cao như tia UVC này lọt xuống bề mặt trái đất, dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe trầm trọng.
Các bức xạ tử ngoại UVB có thể đi xuyên qua tầng ozone (mặc dù cũng đã được lọc bớt một phần), hiện nay UVB chiếm khoảng 3% trong số các tia UV do mặt trời tỏa ra và đi xuống đến bề mặt Trái Đất. Tia UVB kích thích quá trình chuyển hóa Melanin - sắc tố da làm cho da trở nên tối đi, rám nắng. Nếu da người tiếp xúc với UVB cường độ cao sẽ gây nên hiện tượng cháy nắng, làm tăng các nguy cơ ung thư da. Tia UVB cũng gây hiện tượng bạc màu da, xuất hiện các nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa sớm trước tuổi. Với mắt, giác mạc của chúng ta hấp thu hầu hết các bức xạ UVB nên đây không phải là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, mà chủ yếu tia UVB gây nên các bệnh giác mạc như viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng.
Còn đối với tia UVA, đây là bức xạ cực tím có tỉ lệ nhiều nhất (chiếm tới 97%) lượng tia, do UVA dễ dàng xuyên qua tầng ozone bảo vệ trái đất. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc của mắt, đi vào thủy tinh thể hoặc võng mạc ở bên trong mắt. Tiếp xúc với bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm.
Các tia UV nói chung cũng là nguyên nhân gây bỏng võng mạc do không sử dụng kính đen khi xem Nhật Thực, mặc dù chúng ta không hề cảm thấy chói mắt. Việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, đặc biệt đối với chủng tộc người da trắng, ít hắc tố Melanin trong da khiến tia UV đâm xuyên và gây hại mạnh hơn. Tia UV gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc DNA và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tuyến giáp và tuyến vú cũng chịu tác động nhiều của tia UV, tuy nhiên vẫn đang được nghiên cứu về mức độ nhiễm tia UV của các tuyến này.
Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học tin rằng việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Một số biện pháp ngăn chặn tác hại của tia UV
Cách lựa chọn trang phục: Nếu đi ra ngoài vào trời nắng, bạn nên mặc những đồ màu tối và dày. Ngoài ra, có thể mặc một số trang phục chuyên nghiệp, trong đó chứa nhiều hợp chất có công dụng chống nắng.
Sử dụng kem chống nắng: Dùng những loại kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên để có thể ngăn chặn 2 loại tia UVA và UVB.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Tránh ăn các đồ chua, thức ăn nhiều dầu mỡ. Tăng cường bổ sung rau và các loại trái cây trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Sử dụng mắt kính: Để chống lại tác hại của tia UV thì khi đi ra ngoài nắng, bạn nên sử dụng các loại kính mắt.