Nấm là gì?
Nấm không phải động vật, cũng chẳng phải thực vật. Chúng là các sinh vật dị dưỡng, phát triển mạnh bằng cách chiết xuất các chất dinh dưỡng từ xác động – thực vật chết và thối rữa. Nấm rất đa dạng về màu sắc, hình dạng, tính chất.
Giá trị dinh dưỡng của nấm
Nấm là loại thực phẩm ít muối, ít chất béo và calo. Người ta thường gọi nấm là một loại thực phẩm chức năng.
Ngoài những thành phần dinh dưỡng cơ bản, nấm còn chứa các chất xơ có lợi như chitin và beta-glucan, các hợp chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa nổi bật nhất có thể kể đến là selenium có công dụng hỗ trợ hệ miễn dịch, bảo vệ các mô và tế bào không bị tổn hại.
Vitamin và khoáng chất
Trong nấm có nhiều vitamin B như vitamin B2 (riboflavin), B9 (folate), B1 (thiamine), B5 (pantothenic acid) và B3 (niacin). Riboflavin tốt cho quá trình tạo tế bào hồng cầu. Niacin tốt cho hệ tiêu hóa và duy trì làn da khỏe mạnh. Axit pantothetic tốt cho hệ thần kinh và giúp cơ thể tạo đủ lượng hormone cần thiết.
Một số loại vitamin B rất cần thiết để não bộ được khỏe mạnh. Phụ nữ mang thai nên dùng axit folic (hoặc folate) để tăng cường sức khỏe thai nhi.
Nấm là một trong những nguồn cung cấp vitamin D cho người ăn chay. Thường thì người ta dùng các sản phẩm từ sữa để bổ sung vitamin D, nhưng đối với những người ăn chay không dùng sản phẩm có nguồn gốc động vật, nấm là một nguồn dinh dưỡng thay thế.
Một số khoáng chất khác trong nấm bao gồm selen, kali, đồng, sắt, phốt pho…
Đồng giúp cơ thể tạo tế bào hồng cầu. Tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến khắp các bộ phận trong cơ thể.
Kali là khoáng chất quan trọng đối với tim, cơ bắp và hệ thần kinh.
Beta-glucan là một loại chất xơ được tìm thấy trong thành tế bào của nhiều loại nấm. Có một số nghiên cứu gần đây được tiến hành để xem liệu beta-glucan có khả năng giảm nguy cơ béo phì, tăng cường miễn dịch, cải thiện tình trạng kháng insulin và mức cholesterol trong máu hay không.
Nấm cũng chứa choline, một chất giúp ngủ ngon, tốt cho sự vận động cơ bắp, trí nhớ và việc học tập. Cholin hỗ trợ duy trì cấu trúc của màng tế bào, dẫn truyền xung thần kinh, hấp thụ chất béo có lợi và giảm viêm mãn tính.
Sai lầm khi chế biến nấm mất dinh dưỡng
Rửa nấm quá kỹ trước khi chế biến
Nếu bạn đã mua nấm có nguồn gốc rõ ràng thì hãy yên tâm khi chế biến mà không rửa vì nấm là một loại thực phẩm chỉ phát triển được trong môi trường sạch.
Vì vậy, bạn chỉ nên cắt chân nấm, làm sạch bằng khăn giấy ẩm hoặc bàn chải sạch. Nếu bạn cố tình đem rửa nấm sẽ khiến chúng hút nước và trở nên nhạt nhẽo.
Tuy nhiên, một số loại nấm bắt buộc phải vệ sinh nếu trong quá trình vận chuyển bị dính bẩn vào, nhưng nên rửa dưới vòi nước dạng hơi sương chứ không rửa trực tiếp nước vào thân nấm sẽ làm hỏng thịt nấm.
Thêm nữa, nấm có chứa Lysergic, một chất mà nếu để dưới ánh sáng mặt trời có thể được chuyển hóa thành vitamin D.
Nếu rửa nấm sạch quá mức hoặc ngâm trong nước lâu trước khi ăn có thể gây mất chất dinh dưỡng ở nấm tươi.
Nấu nấm ở nhiệt độ thấp
Khi chế biến nấm, bạn nên để ở mức nhiệt độ cao vì nếu để ở nhiệt độ thấp nấm sẽ ra nhiều nước, nát, nhũn và nhạt nhẽo, không giữ được hương vị và màu sắc ngon nhất.
Nấu nấm bằng nồi nhôm
Nấm khi được nấu trong nồi nhôm sẽ ngả màu trông rất kém ngon, vì vậy cần chú ý không dùng loại nồi có chất liệu này để nấu những món ăn từ nấm.
Cho quá nhiều dầu ăn
Nấm hút nước và các chất lỏng khác nên có thể bạn sẽ cho quá nhiều dầu ăn mà không có cảm giác là mình đang cho nhiều dầu.
Tuy nhiên, quá nhiều chất béo sẽ làm cản trở quá trình hấp thu dinh dưỡng từ nấm, gây đầy bụng, ảnh hưởng tới tiêu hóa, thậm chí còn có nguy cơ trào ngược dạ dày.
Cần nấu chín hoàn toàn
Cần đun sôi nấm trong khoảng từ 5-10 phút để đảm bảo nấm đã chín hoàn toàn để đảm bảo vệ sinh và không gây hại cho cơ thể bạn. Nếu các chất trong nấm chưa được chín kỹ hay các vi khuẩn chưa được diệt gọn sẽ gây hại cho sức khỏe.