Một số bệnh viêm đường hô hấp phổ biến ở trẻ
Viêm phế quản: Đây là bệnh do viêm nhiễm tại phế quản gây ra. Bệnh lý này phổ biến ở hầu hết trẻ nhỏ, đặc biệt khi trời trở lạnh hoặc giao mùa. Các triệu chứng bao gồm ho có đờm, thở khò khè, khó chịu ở ngực kèm sốt. Trẻ bị viêm phế quản thường ho kéo dài trên dưới 3 tuần.
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản do nhiễm virus. Một số ít trường hợp là do mức độ ô nhiễm không khí hoặc vi khuẩn như Mycoplasma pneumoniae hoặc Bordetella pertussis.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cúm: Thường là cúm mùa. Tình trạng này có xu hướng tiến triển nhanh hơn cảm lạnh và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn như sốt cao, ho, đau họng, đau đầu và đau cơ. Nếu trẻ bị sốt rất cao, kèm theo chảy dịch lỏng ở mũi hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào gần giống với bệnh cúm mùa, hãy nhanh chóng tới gặp bác sĩ để đảm bảo kịp thời can thiệp, giảm thiểu nguy hiểm cho con.
Viêm phổi: Không giống như các bệnh viêm đường hô hấp khác, viêm phổi là do nhiễm vi khuẩn, không phải do virus. Nó thường có triệu chứng khởi phát giống như cảm lạnh hoặc cúm, nhưng nếu bệnh vẫn tiếp tục kéo dài trong một thời gian và kèm theo sốt cao, ho nặng hơn và khó thở thì hãy đến gặp các y bác sĩ chuyên khoa để kịp thời “bắt bệnh” cho trẻ.
Viêm họng: là bệnh mà khi đó niêm mạc họng và hầu bị viêm. Viêm họng ở trẻ có thể cấp hoặc mạn tính. Hầu hết các trường hợp trẻ viêm họng thường kéo dài, hoặc xảy ra với tần suất dày. 60-80% trường hợp viêm họng do virus, còn lại do vi khuẩn, nấm hoặc các chất kích thích, chất gây ô nhiễm.
Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp
Với các trường hợp nhẹ và không có biến chứng, cần cho trẻ ăn uống bình thường, tránh kiêng cữ quá mức, tăng cường rau xanh và cho trẻ uống nhiều nước hoa quả. Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường như Panadol, Efferalgan, Tylenol… Kết hợp với dùng nước ấm lau mát để hạ sốt cho trẻ. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi bé trước khi cho ăn, cho bú.
Trường hợp bé ho có thể cho bé uống thuốc ho dạng thảo dược để làm dịu cơn ho, các thuốc ho dạng khác cần sự chỉ định của bác sĩ. Theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn... Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên như sốt cao, ho nhiều, nôn ói kéo dài, tiêu chảy nặng, có các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…
Cách phòng viêm đường hô hấp cho trẻ cực hiệu quả
Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm đã có từ lâu nay. Để phòng bệnh viêm đường hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ cần quan tâm từ khâu ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ. Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết lạnh cần mặc ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Ra đường (đi chơi, đi học) cần mặc thật ấm, có mủ ấm, khăn quàng cổ, khẩu trang, găng tay, bít tất. Trong sinh hoạt hàng ngày mỗi lần trẻ làm ướt quần áo (trẻ tè ra quần áo) cần được thay ngay cho trẻ và cần thay bỉm cho trẻ, không cho trẻ nghịch nước. Nên tắm nước ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau người thật nhanh và mặc quần áo cho trẻ. Không để gió lùa vào phòng học, phòng ngủ và phòng trẻ chơi.
Trẻ lúc ngủ thường có phản xạ đạp tung hết chăn, người lớn cần quan tâm đắp lại chăn cho trẻ, nếu không, trẻ sẽ bị viêm đường hô hấp do cảm lạnh.
Người lớn khi tiếp xúc với trẻ thì phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng sát khuẩn. Không nên mở rộng ngay cửa sổ, cửa phòng lúc sáng sớm vì gió sáng lạnh, có thể thổi vào người trẻ khiến bị ho, viêm họng.
Luôn trang bị khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Người tiếp xúc với bé cần dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Hạn chế cho trẻ ra ngoài đường vào những ngày thời tiết chuyển mùa, tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy để cổ họng bé không bị khô.
Hàng ngày nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng nhất là các trẻ lớn, nên súc họng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Loại nước súc họng này có bán tại các quầy dược phẩm, rẻ tiền, rất tiện lợi, hợp vệ sinh và thông dụng. Cần cho trẻ ăn đủ chất, ngoài ra nên cho trẻ ăn thêm trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây nhiễm trùng.
Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Mỗi mũi tiêm phòng có tác dụng phòng bệnh cho trẻ trong một khoảng thời gian nhất định.
Thăm khám kịp thời khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh: Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về điều trị, nhất là các loại thuốc kháng sinh. Phải uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.