Giữ ấm cơ thể
Giữ ấm cơ thể, nhất là vùng cổ và ngực. Mặc nhiều lớp quần áo sẽ giúp giữ ấm cơ thể và tránh tiếp xúc với không khí lạnh. Ngoài ra, khăn quàng cổ và khẩu trang sẽ có vai trò như một rào cản ngăn không khí lạnh xâm nhập trực tiếp vào hệ hô hấp. Đeo khẩu trang giúp giữ ấm mũi, miệng, bảo vệ phổi khỏi không khí lạnh, các tác nhân ô nhiễm trong môi trường.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm
Bên cạnh giữ ấm, tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng cần thiết bởi trong mùa lạnh, nồng độ bụi mịn trong không khí thường tăng cao. Tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm dễ gây tổn thương phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh hô hấp và tim mạch.
Duy trì chất lượng không khí trong nhà bằng cách dùng máy lọc không khí. Việc này không chỉ giúp đảm bảo lưu thông khí thích hợp mà còn giúp loại bỏ các chất ô nhiễm như bụi, chất gây dị ứng, thậm chí là chất độc trong nhà. Đây đều là những tác nhân có thể gây kích ứng phổi. Nên vệ sinh thường xuyên máy lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn, nấm mốc, chất gây dị ứng.
Chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý
Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh hô hấp. Nên bổ sung rau củ quả giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi, mâm xôi và quả việt quất giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn chặn vi khuẩn và virus gây bệnh hô hấp. Bổ sung các thực phẩm chứa omega-3 như cá hồi, quả óc chó, hạt chia. Hạn chế thức ăn, đồ uống lạnh bởi chúng kích ứng đường thở.
Uống nước đủ. Giữ đủ nước là điều đặc biệt quan trọng nếu bạn bị COPD vì nó khiến bạn dễ dàng ho ra chất nhầy trong phổi và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh này.
Thực hiện các bài tập thở
Duy trì các bài tập thở hoặc yoga giúp tăng dung tích phổi. Khi thời tiết bên ngoài quá lạnh hay ô nhiễm, tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ hoặc chạy bộ trong nhà cũng có lợi. Người mắc bệnh phổi mạn tính nên cân nhắc chọn bài tập phù hợp thể lực, không gắng sức, tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Hít thở bằng cách chu môi nhẹ có thể làm chậm nhịp thở của bạn, điều này sẽ làm đường thở của bạn có thêm thời gian thư giãn để phổi hoạt động dễ dàng hơn. Bạn hãy thực hiện theo những bước sau: Hít vào từ từ bằng mũi. Chu nhẹ đôi môi như sắp thổi nến rồi thở ra thật chậm. Thời gian thở ra có thể gấp đôi thời gian hít vào. Lặp lại động tác này liên tục trong khoảng 3-5 phút.
Tránh xa khói thuốc lá và tiêm phòng
Không hút thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với khói thuốc, cố gắng cai thuốc sớm để bảo vệ phổi của chính mình và những người xung quanh. Hút thuốc lá gây ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc tiếp xúc với khói thuốc lá trước khi sinh có liên quan đến suy giảm chức năng phổi và tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn ở trẻ em. Người lớn tiếp xúc khói thuốc lá dẫn đến suy giảm chức năng phổi, tăng độ nhạy cảm của phế quản.
Theo Webmd, một nghiên cứu lớn cho thấy cần đến 20 năm sau khi bỏ hút thuốc để giảm nguy cơ mắc COPD xuống mức tương đương như khi chưa sử dụng. Một thập kỷ sau khi bỏ thuốc, nguy cơ tử vong do ung thư phổi vẫn còn cao.
Vaccine giúp bảo vệ và tạo miễn dịch cho cơ thể chống lại nhiễm trùng, ngăn bệnh lây lan, đồng thời giúp lá phổi khỏe mạnh. Ví dụ cúm, phế cầu và ho gà là các bệnh có thể gây nhiễm trùng phổi và có vaccine phòng ngừa. Trong đó, mũi tiêm cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong và giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác. Vaccine phế cầu 13 giúp trẻ phòng ngừa hơn 90% các bệnh do phế cầu, giảm 49% nhiễm virus hô hấp. Mũi tiêm ngừa ho gà - bạch hầu - uốn ván giúp bảo vệ đường hô hấp, ngăn mầm bệnh.