Thứ 6, 22/11/2024, 16:14 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Ba kích có thật sự là thần dược cho quý ông như lời quảng cáo?

Ba kích có thật sự là thần dược cho quý ông như lời quảng cáo?
(Tieudung.vn) - Theo TS Phạm Việt Hoàng - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, cây ba kích không thể nào gây kích thích khiến người bệnh có thể cương dương trong thời gian dài như vậy.

“Sập nguồn” vì ba kích

Trường hợp của ông Đỗ Văn T. 48 tuổi, Hà Nội cách đây 3 năm là bài học đau đớn. Ông T. kể do mới cưới vợ tập hai, vợ trẻ kém ông 16 tuổi nên lúc nào ông T. cũng lo lắng không chiều được vợ.

Ông lên mạng tìm các sản phẩm tăng cường sinh lý, bổ thận tráng dương của đông y vì nghĩ đông y an toàn sức khỏe nhất. Ông thấy có nơi bán ba kích rừng lên tới 1,2 triệu đồng/kg với lời mỹ miều “chiến binh ”. Vậy là ông T. không ngần ngại mua 3 kg ba kích.

Ông T. được người bán hướng dẫn về bóc bỏ lõi, sấy khô hoặc ngâm rượu nhưng ông ngại ngâm rượu nên đi nhờ người quen sấy khô và xay bột để trộn với mật ong ăn hàng ngày như một món thuốc bổ.

Ba kích có thật sự là thần dược cho quý ông như lời quảng cáo?

Củ ba kích dùng ngâm rượu.

Ba tháng kiên trì với ba kích mật ong, ông T. chỉ thấy người mệt mỏi, chuyện phòng the cũng chẳng thay đổi gì. Khi ông thành thật với một người quen là bác sĩ thì mới hay mình cũng chỉ là một trong những nạn nhân bị người bán hàng lừa.

Rất nhiều người tin rằng sử dụng ba kích sẽ kích thích được “cậu nhỏ” nên khiến cho ba kích vài năm trở lại đây được rao bán nhan nhản khắp trên mạng.

Mới đây, mọi người lại được phen xôn xao trước câu chuyện nam bệnh nhân nhập viện vì “cậu nhỏ” dựng đứng trong suốt 30 tiếng đồng hồ, bệnh nhân được cho là đã sử dụng rượu ba kích “ông uống, bà vui”.

TS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc Tuệ Tĩnh, Hà Nội cho rằng đây là thông tin chưa đúng vì thực sự ba kích không thể gây nên tình trạng như trên. Ông đã từng gặp người ăn triền miên canh ba kích, thịt trai nước với hi vọng tăng cường sinh lý, đẻ con trai. Vậy nhưng 1 năm sau vợ sinh con vẫn là bé gái.

Cây ba kích có gì?

Theo tài liệu cổ, ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ôn, vào kinh thận, có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp.

Trong dân gian, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, còn dùng chữa bệnh phong thấp, mạnh gân cốt…

Người bệnh ngày dùng 4-10g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng. Ngoài ra còn dùng ba kích nấu với thịt gà, ăn để bồi bổ sức khỏe.

Ba kích sử dụng dưới dạng ngâm rượu có tác dụng hỗ trợ bổ thận tráng dương, tăng cường và cải thiện chức năng sinh lý của nam giới, kéo dài thời gian quan hệ, điều trị chứng xuất tinh sớm. Rượu ba kích cũng giúp cường kiện gân cốt, khứ phong thấp: giúp cho xương khớp chắc khỏe, điều trị chứng đau nhức thoái hóa xương khớp.

Ba kích có thật sự là thần dược cho quý ông như lời quảng cáo?

Rượu ba kích trôi nổi có thể bị bỏ thêm các loại thuốc kích dục, nếu người dùng uống phải lượng quá lớn thì sẽ gặp phải tác dụng không mong muốn.

TS Phạm Việt Hoàng cho biết tác dụng của ba kích chỉ dừng lại ở hỗ trợ, không thể điều trị triệt để. Hơn nữa, bất cứ bài thuốc nào cũng đều phụ thuộc vào từng người, từng cá thể chứ không phải áp dụng cho bất cứ ai.

Trong đông y ba kích được dùng để bổ thận, tráng dương nhưng được khuyên sử dụng với nhiều bài thuốc đi kèm như dâm dương hoắc, đỗ trọng,… tức là phải có nhiều bài thuốc đi kèm làm dẫn chất và bổ trợ cho nhau mới có tác dụng.

Hiện nay nhiều nơi quảng cáo ba kích như thần dược cho quý ông là điều rất nguy hiểm. Người dân tự mua ba kích về ngâm rượu với hi vọng có tác dụng kích thích sinh lý ở nam giới nhưng nếu ngâm nguyên củ ba kích không rút lõi thì còn có độc.

Ngoài ra, TS Phạm Việt Hoàng lo ngại có thể trong rượu ba kích trôi nổi bị bỏ thêm các loại thuốc kích dục, nếu người dùng uống phải lượng quá lớn thì sẽ gặp phải tác dụng không mong muốn như đối với nam bệnh nhân cương dương 30 tiếng trên.

Tags:
3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.16162 sec| 788.984 kb