Theo kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa năm học 2021-2022 vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh ban hành, từ ngày 28 đến 31/3/2021, Sở sẽ công bố kết quả lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Sở sẽ tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại các cơ sở giáo dục. Quy trình lựa chọn sách được thực hiện từ các cơ sở giáo dục phổ thông với việc bỏ phiếu kín lựa chọn của các cá nhân, tổ chuyên môn và cuộc họp giữa người đứng đầu cơ sở giáo dục, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn và ban đại diện cha mẹ học sinh... Kết quả được tập hợp gửi về các phòng giáo dục và đào tạo theo thứ tự lựa chọn từ cao xuống thấp.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thành phố sẽ họp, thảo luận, đánh giá sách do các cơ sở giáo dục đề xuất, bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý. Trường hợp không đạt tỷ lệ, hội đồng phải bỏ phiếu lựa chọn cho đến khi có ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý lựa chọn.
Trước đó, UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành 2 tiêu chí chọn lựa sách giáo khoa năm học mới 2021-2022.
Theo đó, sách được chọn phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của TP, giúp học sinh thấm nhuần, tự hào với văn hóa, truyền thống năng động, sáng tạo của TP.
Cạnh đó, kiến thức trong sách phải hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày. Ngoài ra phải đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam trên mọi miền đất nước. Đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của TP, xây dựng TP trở thành đô thị thông minh, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
UBND TP yêu cầu việc chọn sách phải phù hợp với điều kiện dạy và học các trường, phù hợp năng lực, trình độ cán bộ quản lý, giáo viên; Đảm bảo tính phân hóa, đa dạng loại hình trường lớp, có tính mở trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy và học, kiểm tra – đánh giá.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã văn bản yêu cầu các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, ban đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu về chương trình giáo dục phổ thông mới và các môn học. Từ đó nắm rõ các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, các bản mẫu sách từ các nhà xuất bản để có ý kiến về việc lựa chọn sách cho năm học mới.