Vừa qua, việc Á hậu Thuỳ Dung trượt khỏi top 15 trong cuộc thi Miss International 2017 được tổ chức tại Nhật Bản khiến không ít người thất vọng bởi cô là thí sinh sở hữu vóc dáng lý tưởng cũng như khả năng nói được 2 ngoại ngữ tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.
Sự thất bại của Thuỳ Dung có lẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ vấn đề sức khoẻ khi ngay trước đêm chung kết cô bất ngờ bị lây bệnh thuỷ đậu từ cô bạn cùng phòng Thái Lan.
Cũng chính vì sức khoẻ nên ngay trong phần thi đầu tiên là Trang phục dân tộc, Thuỳ Dung đã không thể hoàn thành trọn vẹn khi cô không đội chiếc mấn cầu kỳ của bộ trang phục mang tên 'Tiên Dung'.
Thùy Dung không đội mấn trong vòng khi trang phục truyền thống tại Miss International 2017. |
Chiếc mấn này được chế tác bằng kim loại, tạo hình, gò hàn tỉ mỉ, từng chi tiết đều được khắc đục bằng tay, mô phỏng gần nhất với hình ảnh cây tre Việt Nam. Được biết, chiếc mấn là hình ảnh đàn cò đang ấp trứng trên bụi tre cách điệu tạo thành 5 vòng, tượng trưng cho Ngũ Hành của Trời Đất (Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ), Ngũ Đức của người quân tử (Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín) và Ngũ Phúc của cuộc sống (Phú-Quý-Thọ-Khang-Ninh); ngụ ý về truyền thống tôn thờ Trời Đất, về đạo thờ Mẫu của người Việt xưa, về sự tôn kính đức quân tử phu quân và về trách nhiệm chu toàn cuộc sống gia đình của người phụ nữ Việt Nam.
Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, người đẹp nhanh chóng gửi lời xin lỗi đến khán giả trên Instargam cá nhân. Tuy nhiên, cùng lúc này, Á hậu Thuỳ Dung cũng bất ngờ gặp phải phản ứng từ NTK Đỗ Vân Trí khi cô từ chối đội mấn mà anh tâm huyết cùng NTK Tín Thái bắt tay thực hiện cho phần thi trang phục dân tộc.
Được biết, quốc phục của Thùy Dung tại Miss International 2017 do NTK Tín Thái và NTK Đỗ Vân Trí bắt tay thực hiện. Trong đó, Tín Thái đảm nhận phần áo dài, còn Đỗ Vân Trí phụ trách tạo mấn. Tuy nhiên NTK họ Đỗ nhấn mạnh: "Mình muốn NTK Tín Thái có thể tự do tỏa sáng, không bị lu mờ nên không yêu cầu gắt gao phải để tên mình song song với thiết kế này cho Thùy Dung".
Nhưng khi thấy Thùy Dung "quên" đội chiếc mấn do mình thiết kế trên sân khấu Miss International, Đỗ Vân Trí không khỏi xót xa. Trên trang cá nhân, anh đã viết một đoạn status khá dài để gửi tới Á hậu Việt Nam 2016.
"Lần đầu tiên một nhan sắc đi đấu trường quốc tế từ chối mang tác phẩm mất bao nhiêu mồ hôi công sức của mình. Đây là tác phẩm đầu tiên mà mình phải làm lại cái thứ hai chỉ vì cái thứ nhất nặng 5 kg, em nói quá sức với em, cái thứ hai chỉ 2,1 kg, còn nhẹ hơn cái nón bảo hiểm nguyên đầu", NTK họ Đỗ buồn bã.
Theo Đỗ Vân Trí, mấn đội đầu do anh tạo ra cùng áo dài của NTK Tín Thái kết hợp lại thành một tổng thể không thể tách rời. "Thiết kế tổng thể rất chặt chẽ, nếu bớt chi tiết nào là bố cục sẽ bị phá bỏ, giảm hẳn giá trị cả bộ trang phục", họ Đỗ nhấn mạnh.
Sau khi đặt câu hỏi "Không biết em vô tình hay cố ý làm lu mờ ý nghĩa cốt lõi này?", Đỗ Vân Trí hờn trách Thùy Dung: "Có thể sức khỏe em đang không tốt, hy vọng em mau khỏi bệnh. Cố gắng nỗ lực của em mọi người rất ủng hộ. Có lẽ cuộc thi này quá sức với em. Đã thi hoa hậu mà không chịu được cái mấn 2,1 kg thì không gọi là bản lĩnh.
Vậy những đại diện hoa hậu các nước khác cách nửa vòng trái đất, khác về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng..., họ bê cả mấy chục ký trang phục lên người đứng hàng giờ ở mấy cuộc thi khác chắc họ sẽ chết?".
Trước những chỉ trích từ NTK, đại diện của Á hậu Thùy Dung đã phản hồi: "Vị trí của Thuỳ Dung là cuối cùng, đứng trên bậc cao nhất. Tất cả thí sinh phải chuẩn bị sẵn sàng và đứng nguyên vị trí như thế trước 30 phút mở màn để ổn định đội hình. Chiếc mấn không quá nặng, nhưng tổng thể vừa đội mấn, vừa đeo cánh vừa mang giày cao gót với tình trạng sức khoẻ yếu trong suốt thời gian chờ gần một tiếng và bản thân Dung trình diễn sau đó là một nhiệm vụ quá sức với bạn.
Trước đó, Dung đã cố gắng diện cả bộ trang phục lúc tổng duyệt nhưng không hoàn thành tốt phần thi. Vì thế, chính tôi đã quyết định và yêu cầu Dung không đội mấn để đảm bảo điều an toàn nhất. Việc này chính Dung đã nhắn tin xin phép và xin lỗi với NTK Tín Thái ngay trong ngày 13/11.
Về mặt pháp lý, tôi làm việc duy nhất với NTK Tín Thái và đã trả tất cả chi phí hoàn thành tác phẩm theo thoả thuận hợp đồng giữa hai bên. Vì thế, bộ trang phục thuộc quyền sở hữu của tôi theo Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015 và tôi có mọi quyền quyết định với nó. NTK Tín Thái làm việc với bất cứ bên thứ 3 nào khác để hoàn thành trang phục là việc của bạn. Tôi không liên quan hay có nghĩa vụ với bên nào khác".