Theo đánh giá của Công ty CP Giống gia súc Hà Nội, đơn vị được giao thực hiện dự án, trong năm 2016, dự án đã tổ chức 74 lớp tập huấn kỹ thuật cho hơn 7.400 lượt hộ chăn nuôi bò thịt theo các nội dung gắn với thực tế và điều kiện đặc thù của chăn nuôi bê lai F1 BBB.
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân (áo đen) thăm mô hình nuôi bò BBB tại xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì. |
Ngoài số bò đã tham gia dự án là hơn 35.700 con, dự án đã tiếp tục bình tuyển bổ sung đàn bò cái nền gần 3.000 con nâng tổng số bò được bình tuyển đủ tiêu chuẩn tham gia dự án lên 38.000 con. Đến nay, số bê F1 sinh ra của toàn dự án là 38.970 con, trong đó riêng năm 2016 là gần 17.000 con. Khối lượng bê sơ sinh bình quân 29,5kg/con. Giá trị sản phẩm do đàn bò F1 BBB làm ra ước đạt trên 700 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với giống bò thịt khác cùng thời điểm.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân nhận định, hiệu quả của mô hình nuôi bò BBB đạt cao là sự ghi nhận nỗ lực, cố gắng lớn của ngành nông nghiệp Hà Nội. Trong đó giải quyết được 3 vấn đề lớn là thay đổi tập quán chăn nuôi, khâu kỹ thuật và tăng khối lượng sản phẩm cũng như giá trị gia tăng. Theo ông Vân, bò BBB là giống bò siêu thịt của thế giới được nhiều nước châu Âu đang dùng làm bò cao sản. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình này, Sở NN&PTNT Hà Nội cần rà soát lại các khâu kỹ thuật, dinh dưỡng, trong đó xây dựng ngay chế độ vỗ béo trong 4 tháng cuối từ 18 – 22 tháng. Đồng thời rà soát đánh giá lại mô hình, xây dựng theo chuỗi giá trị sản phẩm trong đó có sự tham gia của DN giết mổ, chế biến, tiêu thụ. “Có như vậy thịt bò BBB mới chiếm lĩnh được thị trường Hà Nội” – ông Hoàng Thanh Vân khẳng định.