Mặc dù vậy, trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, để giữ được “tiếng thơm” ấy đòi hỏi những người làm nghề phải thay đổi, cải tiến nhiều hơn nữa điều kiện sản xuất.
Khi công nghệ nhập cuộc
Những ngày cuối năm, về xã Tân Hòa mới thấy sự nhộn nhịp khi vào mùa sản xuất phục vụ thị trường Tết. Năm nào cũng vậy, người làng So chỉ mong đến dịp cận Tết để “bung” hết công suất vì đây là thời điểm nhu cầu sản phẩm miến của thị trường cao nhất. Trên trục đường chính hay các ngõ ngách của thôn xóm, những chiếc xe máy chở bánh tráng, miến đi phơi chạy nườm nượp. Xóm làng phảng phất một mùi bột dong tươi.
Tráng bánh làm miến dong bằng máy tại cơ sở của bà Dương Thị Liên, xã Tân Hòa. Ảnh: Quang Thiện |
Trong xưởng sản xuất của cơ sở miến dong Thúy Dũng, gần chục nhân công đang tất bật làm việc. Dù mỗi người một khâu, từ cán và cắt bánh tráng thành sợi miến nhỏ li ti, xếp gọn thành từng cuộn đều đặn, đến xoa cho sợi miến bông tơi rồi rải đều ra phên nứa để mang phơi, song mỗi khâu ấy lại liên kết với nhau khá nhịp nhàng. Chị Thúy, chủ cơ sở Thúy Dũng cho biết, từ nhiều năm nay, gia đình đã đầu tư trang bị máy móc vào sản xuất, nhất là khâu cán, cắt sợi miến nên công suất được nâng lên đáng kể. Hiện bình quân mỗi ngày cơ sở Thúy Dũng sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 1,5 tấn miến khô.
Có thể nói, sự góp mặt của công nghệ, máy móc đã làm thay đổi đáng kể hoạt động sản xuất của làng nghề miến So. Không chỉ nâng cao năng suất, hệ thống máy móc còn giúp đảm bảo VSATTP hơn trước rất nhiều. Nếu bước vào cơ sở sản xuất miến dong của bà Dương Thị Liên sẽ bắt gặp ngay cả dàn máy tráng bánh lúc nào cũng nghi ngút hơi nóng. 4 – 5 nhân công với đầy đủ trang bị bảo hộ lao động làm việc liên tục không ngơi nghỉ mới tải hết công suất của máy. Những phên bánh mỏng tang tráng đều trên lớp phên nứa đan nhanh chóng được đưa đi phơi cho kịp nắng. Bà Liên cho biết, mỗi ngày cơ sở sản xuất của bà làm ra trên 2 tấn miến dong.
Khắc phục điều kiện sản xuất
Theo thống kê của UBND xã Tân Hòa, hiện nay toàn xã có hơn 40 hộ sản xuất miến dong, đa số đều làm theo hướng bán công nghiệp nên sản lượng cao hơn nhiều so với cách làm thủ công. Ước tính công suất bình quân của mỗi hộ làm nghề khoảng 1,5 – 2 tấn miến mỗi ngày. Theo lãnh đạo xã Tân Hòa, đây là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính đối với nhiều hộ dân trên địa bàn. Điều đáng mừng là sản phẩm miến làng So hiện nay đã được đóng trong bao bì khá đẹp mắt với nhãn hiệu riêng của từng hộ làm nghề. Giá bán buôn miến So hiện ở mức khoảng 40.000 đồng/kg.
Miến làng So có đặc điểm dai, giòn, có hương thơm đặc trưng của bột dong. Sợi miến sau khi nấu có thể để lâu mà không bị bở, nát và không có sạn. Đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày Tết truyền thống trong mỗi gia đình. Do chất lượng tốt, miến dong làng So được phân phối trên khắp thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Mặc dù vậy, trong quá trình sản xuất của làng nghề vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục và hoàn thiện. Đó là trang thiết bị sản xuất của một số hộ chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh ATTP, đồ bảo hộ lao động trang bị cho nhân công cũng chưa được đầy đủ, khu vực sản xuất chật hẹp, thiếu mặt bằng…
Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa Vương Trí Kiểm chia sẻ, xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt quy trình sản xuất miến đảm bảo ATTP. Tỷ lệ các hộ sản xuất được cấp giấy chứng nhận đảm bảo ATTP của xã cũng đạt cao. Tuy nhiên, ông Kiểm cũng cho biết, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các hộ làm nghề vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện điều kiện cũng như quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Có như vậy, miến dong làng So mới có thể đứng vững trên thị trường.